HT. Thích Gia Quang với bài phát biểu “nâng cao hiệu quả công tác quản lý Tăng sự của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam”

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ TĂNG SỰ CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Hòa thượng Thích Gia Quang

Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương GHPGVN

 

Theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 53.000 Tăng Ni và hơn 18.400 cơ sở tự viện.

Hiểu một cách nôm na, quản lý Tăng sự là quản lý Tăng Ni đang tu dưỡng tại các cơ sở thờ tự của Giáo hội, rộng hơn và liên quan đến công tác quản lý Tăng Ni là công tác quản lý các cơ sở tự viện của Giáo hội.

Căn cứ vào Hiến chương, Quy chế Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, công tác quản lý Tăng Ni và quản lý tự viện hiện nay về cơ bản vẫn đang vận hành tốt. Tuy nhiên, trong đời sống sinh hoạt tôn giáo trong thực tế đang tồn tại một số bất cập trong công tác quản lý Tăng Ni.

Những bất cập đó chỉ bộc lộ trong các trường hợp sau;

  1. Khi có một số Tăng Ni vi phạm giới luật, tình trạng giả sư có các hành vi trục lợi đã gây ảnh hưởng xấu đến uy tín Phật giáo nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng.
  2. Khi phát sinh những tranh chấp đất đai, tài sản của tự viện, việc phân cấp, phân quyền cho các cấp Giáo hội và cho Tăng Ni trụ trì tại các tự viện… thì cách xử lý của Giáo hội các cấp nói riêng đang lúng túng.

Nguyên nhân vì sao? Giáo hội cần có những giải pháp nào trong phạm vi của Giáo hội, những kiến nghị gì với các cơ quan quản lý Nhà nướcliên quan đến lĩnh vực tôn giáo để góp phần kiện toàn và nâng cao hiệu quả công tác quản lý tăng sự các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trước hết, chúng tôi nhận thấy thời gian qua một số thông tin gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh tăng đoàn chủ yếu xuất phát từ các vị tu hành trẻ, các vị mới xuất gia, hoặc liên quan đến cách điều hành hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của một số cơ sở thờ tự. Vì vậy:

Giải pháp thứ nhất chúng tôi muốn đóng góp là việc quản lý người tu trẻ, trong đó có vấn đề giáo dục và giáo dưỡng, vấn đề giữ gìn và trang nghiêm giới luật. Tăng Ni là người thay Phật truyền bá chính pháp, vai trò của Tăng Ni quyết định sự thịnh suy của Phật giáo. Vì thế, trong phạm vi của Giáo hội, Giáo hội và Ban Tăng sự Trung ương cần quản lý “đầu vào” để tuyển chọn những người “thật tu, thật học”:

  • Chọn người xuất gia phải trải qua quá trình tập sự 3 năm mới được thụ giới Sa di hay Sa di Trong thực tế, có nhiều vị trụ trì đã tiếp nhận người xuất gia một cách dễ dãi, vào chùa vài hôm là cho phép xuất gia. Xuất gia rồi thì không chuyên cần tu tập, vi phạm giới luật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín tăng đoàn và của Giáo hội.

Theo Quy định của Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Điều 43, 44, 45… giới tử tu học ít nhất là hai năm (tính từ ngày cấp giấy chứng nhận xuất gia) mới được thụ giới Sa di hay Sa di Ni. Kiến nghị Giáo hội và Ban Tăng sự Trung ương có thể gia Tăng thời hạn tập sự thêm một năm nữa, tức là tập sự một năm mới được xuất gia, xuất gia hai năm mới được thụ giới Sa di hay Sa di Ni.

  • Khảo thí giới tử nghiêm túc khi tổ chức giới đàn. Đức Phật chế giới là để Tăng chúng tu hành được an thái, trí tuệ và hạnh phúc, ngăn ngừa các hiện tượng thị phi làm cản trở sự tiến tu của mỗi hành giả. Không có sức tàn phá nào ghê gớm bằng những con siêu vi trùng nằm trong thân thể người tu trẻ, cũng không có gì đáng sợ bằng sự phá bĩnh của người tu trẻ mà chưa trọn đạo, gói những “sự tàn phá hạt giống thiện lành trong vỏ sò đạo đức” sẽ gây phương hại đến uy tín và hình ảnh của tăng đoàn.

Thật vậy, ngày nay trên không gian mạng xã hội chúng ta phải thẳng thắn và thành thật thừa nhận, có không ít người tu trẻ đã gây ra những điều tiếng, trở thành trung tâm và sự đàm tiếu của người đời, tất cả cũng tại vì GIỚI LUẬT, GIỚI ĐỨC chưa được chú trọng đúng mức, phần lỗi người tu trẻ là chính, cũng có phần lỗi của các vị hướng đạo, của tăng đoàn đã chưa có sự giáo dưỡng đúng mức hạt giống tu hành.

Giải pháp thứ hai: chúng tôi muốn đóng góp là cần chú trọng công tác quản lý tự viện, quản lý tự viện tốt, tức là quản lý Tăng Ni tốt từ các cơ sở tế bào của Giáo hội.

Tự viện, chùa chiền thì phải có trụ trì. Vị trụ trì như vị lãnh đạo “Giáo hội thu nhỏ”, vị trụ trì và cơ sở Phật giáo là nơi gắn bó máu thịt nhất với tín đồ và quần chúng nhân dân. Nếu vị trụ trì hoạt động hiệu quả thì Giáo hội phát triển mạnh, Phật giáo hưng thịnh và phát huy vai trò tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo suy vi thì các tôn giáo khác sẽ thay thế vai trò đó của Phật giáo. Vì thế, Giáo hội cần coi trọng công tác quản lý tự viện, công tác bổ nhiệm và tuyển chọn trụ trì. Muốn bổ nhiệm, tiêu chí đầu tiên là Tăng Ni đó có đủ “tâm và tầm” để tổ chức điều hành Phật sự tại cơ sở. Song song với đó là hàng năm chúng ta cần tổ chức thêm các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì.

Hiện nay, toàn quốc có tổng cộng 18.466 tự viện (15.846 tự viện Bắc tông; 454 chùa Nam tông Khmer; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 tịnh xá, 467 tịnh thất, 998 NPĐ; 54 tự viện Phật giáo người Hoa). Trong số các tự viện đó, còn rất nhiều tự viện chưa được bổ nhiệm trụ trì. Chúng ta cần phải xem xét chọn những Tăng Ni “tài đức” bổ nhiệm trụ trì để có người quản lý điều hành, hướng dẫn tín ngưỡng tại cơ sở. Vì sự hưng thịnh và phát triển lâu dài của Phật giáo, chúng ta không nên phân biệt Tăng Ni “vùng miền”, nếu vị nào có tâm phụng sự hãy tạo điều kiện thuận lợi cho họ.

Khi Giáo hội quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi bổ nhiệm cho Tăng Ni các cơ sở chưa có trụ trì, sẽ giảm bớt tình trạng am thất, các cơ sở tín ngưỡng Phật giáo tự phát. Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, ở Việt Nam có rất nhiều tôn giáo đang hoạt động, nếu chúng ta không quan tâm đến vấn đề trên một cách thực tế và thực chất thì trong tương lai gần số lượng tín đồ Phật giáo sụt giảm và sẽ đi đến chỗ trở thành tôn giáo thiếu sổ về mặt tín đồ là câu chuyện thực tế.

Giải pháp thứ ba chúng tôi muốn đóng góp là cần vấn đề giữ gìn truyền thống Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là truyền thống của các sơn môn, hệ phái. Trong những thập niên trở lại đây, nhiều giá trị truyền thống trong Phật giáo Việt Nam dần trở nên mai một và bị lãng quên, hoặc thay thế bởi những xu hướng thời thượng của xã hội. Phật giáo không nằm nơi hình thức khuôn khổ, nhưng nếu không có những quy củ và nguyên lý nhất định, thì khó mà giữ bản sắc thuần túy; nhất là khi giá trị vật chất dần len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống dân Việt nói chung, và chùa chiền tăng xá nói riêng, nguy cơ mất hướng và vong bản là điều hiển hiện.

Giáo hội cần xây dựng các quy chuẩn trong việc giữ gìn truyền thống kiến trúc chùa Việt theo các tiêu chuẩn nào, các quy chuẩn trong nghi lễ truyền thống; đặc biệt là truyền thống của hệ phái, sơn môn; cơ cấu hành chính Giáo hội và việc khôi phục tính đặc trưng của các ngôi chùa Việt trong đời sống tâm linh cộng đồng của làng, xã.

Với những giải pháp trên chúng tôi coi như những gợi ý bước đầu để Giáo hội tập trung thảo luận các việc cần thực hiện một cách hiệu quả trong giai đoạn hiện nay cũng như đề ra kế hoạch cho những Nhiệm kỳ tiếp theo.

Giáo hội cần giao trọng trách cho các ban chuyên môn, đặc biệt là Ban Tăng sự TW và các Ban, Ngành có liên quan thảo luận và xây dựng thành các Quy chế có chế tài thực hiện trong thực tế để cho công tác quản lý Tăng sự của các cấp Giáo hội và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của công tác tôn giáo trong đời sống xã hội đang thay đổi và biến đổi sâu sắc./.

Ban Biên tập PSO

Download Android Download iOS
Vĩnh Long: Lãnh đạo GHPGVN viếng tang và trao Giáo chỉ Truy Phong HT. Thích Phước Hạnh

PSO - Chiều ngày 17/4/2024, chư Tôn đức HĐCM HĐTS đã trở về chùa Phật Ngọc Xá Lợi -Tp.Vĩnh Long viếng tang và tuyên quyết định truy phong lên hàng giáo phẩm Hoà thượng cho cố TT. Thích Phước Hạnh uỷ viên HĐTS, Phó trưởng ban TT BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long.

Tấm lòng của Cỏ

Trong Ngày hội Tình nguyện quốc gia vừa rồi, Long An có 2 cá nhân được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen. Trong đó, có Đại đức Thích An Nhất - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Cỏ Bốn Lá (Cỏ) - tập thể được khen thưởng nhiều lần trước đó.

Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online