01/01/1970 07:00

Người trẻ tử tế - Đời sống quanh ta

GN - Suốt nhiều năm qua, trên các trang báo Giác Ngộ ra hàng tuần đều có những câu chuyện người trẻ dấn thân làm việc lành cùng những người tốt lúc nào cũng thao thức giúp đời. Họ hiện diện và mang tín hiệu vui đến cho cuộc đời, bằng việc làm của mình, những người dễ thương đó đã làm cho cuộc sống vơi bớt nỗi buồn. Chúng tôi gọi họ là những người neo giữ mùa xuân. Trong số báo đặc biệt này, họ tiếp tục hiện diện...

Lư Trường Thành - “Hạnh phúc là trao đi”

Lu Truong Thanh.jpg

Bác sĩ Phật tử Thiện Phước - Lư Trường Thành


“Nếu là con chim chiếc lá. Con chim phải hát. Chiếc lá phải xanh. Lẽ nào vay không trả. Đời là cho đâu chỉ nhận riêng mình” - bác sĩ trẻ Lư Trường Thành, Khoa Nhi - Bệnh viện Gò Vấp (Q.Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ như vậy khi nói về chương trình Ấm áp hương Xuân lần 4 (năm 2018) do nhóm Lam yêu thương tổ chức vào đêm 28 tháng Chạp hàng năm mà anh là người khởi sự.

Chương trình được rất nhiều bạn trẻ tin tưởng tham gia, ủng hộ với duyên đầu tiên khi anh biết đến chương trình “đêm ấm” của quý thầy, các nhóm bạn trẻ tổ chức vào những dịp tiết trời lạnh, với quà tặng là mền, áo ấm, chăn và những dịp này thường không phải là Tết. Thấy vậy, “tôi lấy ý tưởng đó đưa vào mùa Tết, vì Tết nhiều người tha hương cầu thực, họ không có những niềm vui sum họp”.

Và quan trọng hơn nữa, “tôi thấy mình rất may mắn, vì có một cơ thể trọn vẹn, một gia đình đầy thương yêu, một công việc ổn định, có những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống. Còn với nhiều người, họ không có gì hết, họ chỉ cần có đủ nhu yếu phẩm để sống, nên nếu mình biết chia sẻ một phần nho nhỏ mình có trong lúc họ cần thì họ cảm thấy như cả gia tài rồi”.

Anh kể, năm đầu tiên khi đi tặng quà, hôm đó gần nửa đêm mà có bác vẫn thức để bán hàng Tết và đốt một đống lửa nhỏ sưởi ấm. Khi được gửi tặng chiếc khăn cùng áo ấm, bác rất vui vì món quà đó làm ấm cả thân lẫn tâm trong đêm lạnh cuối năm. “Bản thân tôi, và những bạn đi trong đoàn cũng nhận được rất nhiều hạnh phúc, thấy rất ấm”, BS Thành chia sẻ.

Ngoài chương trình Ấm áp hương Xuân, các bạn trẻ trong nhóm cũng từng tổ chức nấu cháo cho người lớn tuổi tại mái ấm Linh Quang (Q.8, TP.HCM), dạy học cho các bạn nhỏ tại tịnh xá Ngọc Hạnh (Tam Bình, Q.Thủ Đức) và mỗi khi có những hoàn cảnh khó khăn cần giúp, nhóm cũng vận động chia sẻ.

Từng nghe TT.Thích Lệ Trang thuyết giảng về Pháp phục Phật giáo, và được trực tiếp chiêm ngưỡng quý thầy thực hiện những nghi lễ Phật giáo, thấy sự trang nghiêm thanh tịnh trong từng bước di chuyển “làm tôi rất hoan hỷ”, anh nói. Theo anh Thành, khi mình mặc pháp phục lên thì buộc lòng mình phải điều thân sao cho trang nghiêm thanh tịnh, chứ không phải muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, từ hành động đến nói năng đều phải như pháp.

“Vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai” - khi mình gia nhập đạo tràng thanh tịnh, mình sẽ ý thức phải giữ giới thanh tịnh và khi mình giữ được thì sẽ lan tỏa ra cho những người khác”, anh Thành tâm đắc.

Thực tập điều ấy, “nên khi mặc áo blouse vào tôi cũng thấy như đang mặc pháp phục, mình phải cư xử trang nghiêm như pháp, đúng đạo đức cao quý của người thầy thuốc, như người thân của bệnh nhân, làm cho người bệnh hoan hỷ...”.

Công việc hiện tại khá bận - luôn kín lịch trực ở bệnh viện, nhưng mỗi ngày với anh là một niềm vui: từ những câu chuyện nho nhỏ ở cửa bệnh viện, khi bệnh nhân có tiến triển tốt trong điều trị... Tất nhiên, cũng có lúc mệt mỏi trong công việc! Khi đó anh làm gì? BS Thành chia sẻ: “Tôi nhờ đồng nghiệp trực giúp khoảng 15 phút, mình lên phòng nghỉ ở bệnh viện - đốt ít trầm, ngồi nghe nhạc thiền, uống trà để buông thư, thả lỏng hoàn toàn. Và sau đó xuống làm việc lại thấy bình an hẳn”.

Gia đình có truyền thống Phật giáo, được đến chùa từ nhỏ và thường tham dự các khóa tu tại chùa, bác sĩ Thành bộc bạch: bản thân có thể “chịu cực” hơn một chút để cho mọi người có thêm niềm vui. Theo đó, anh vẫn thường tự tay gói và làm các món quà gửi tặng cho mọi người, tổ chức các hoạt động trong những dịp lễ như ngày 20-10, 8-3, 1-6,… để mọi người cảm thấy nơi đây như một gia đình, cảm thấy thoải mái. Kinh nghiệm sống đó anh học được từ bài pháp do HT.Thích Giác Toàn giảng khi được theo bà đến tịnh xá Trung Tâm: “mình lo lắng cho mọi người, bản thân mình nhận lỗ một chút cũng được, miễn sao để mọi người được vui”.

Trong các mối quan hệ công việc, gia đình, bạn bè, anh luôn xây dựng theo tinh thần lục hòa. “Thông qua các cuộc nói chuyện, tôi dùng ái ngữ đầu tiên, hỗ trợ và sâu sát với mọi người, hòa cùng làm việc với nhau, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ khi các bạn gặp vấn đề khó cần mình. Với gia đình - là nơi hỗ trợ về mọi mặt cho tôi, thỉnh thoảng có thời gian tôi cũng kể cho cả nhà nghe về những trường hợp mình gặp khi khám bệnh, để cả nhà biết mình đang làm việc như thế nào, chia sẻ niềm vui với mọi người và mọi người cùng làm với nhau”, BS Thành hoan hỷ bày tỏ.

Để làm tốt công việc hơn, ngoài cái tâm với nghề, phải cố gắng nâng cao chuyên môn lên nữa, cố gắng để khi bệnh nhân đến với mình không quá áp lực, các em bé đến với mình không quá sợ sệt - là những điều anh Thành tâm niệm khi nói về hướng phát triển trong công việc của mình.

Tấm lòng của một huynh trưởng

NhuanDuong Ngocthai.jpg

Huynh trưởng Nhuận Dương - Ngọc Thái


Phóng viên biết đến anh Nhuận Dương - Ngọc Thái, Đoàn trưởng Đoàn Oanh vũ Nam - GĐPT Từ Quang (xã Eahu, huyện Cưkuin, tỉnh Đắk Lắk) qua những chương trình thiện nguyện do Nhóm Hiểu và Thương tổ chức, thấy anh rất nhiệt tình, thân thiện, giàu tình thương. Nhưng rồi sau đó... ngỡ ngàng khi nghe anh chia sẻ: trước đây từng là một thành phần làm nhiễm ô cuộc sống với các thói hư như nhậu, đánh bài, vay tiền...

Theo anh Thái, may mắn lớn nhất đời mình là được gặp Phật pháp qua nhịp cầu Gia đình Phật tử - nên đã thay đổi hẳn 180 độ. “Bản thân ngày càng hoàn thiện hơn nhờ học Phật và thực hành lời Phật dạy từ Gia đình Phật tử”, anh Ngọc Thái chia sẻ.

Anh Thái cho biết thêm, ngày xưa nhà nghèo, nghỉ học sớm, rồi theo bạn bè làm đủ công việc để sống. Đi nhiều mà không có sợi dây nào neo đậu lòng mình nên cũng bị nhiễm theo những thói hư. “Nhưng nhờ phước duyên, tôi biết đến tổ chức Gia đình Phật tử, được học Phật pháp với những bài học đầu tiên về Tứ diệu đế, Bát Chánh đạo, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, đặc biệt là bài học về nhân quả - làm mình tỉnh ngộ, dần dần rời xa các thói hư. Từ đó tôi ý thức được việc của mình và phát tâm làm những việc có ý nghĩa giúp cho đời”, anh Thái nói về nhân duyên đến với việc thiện.

Đang tất bật chuẩn bị 140 phần quà Tết gửi tặng đến bà con khó khăn ở huyện Krông Bông trong những ngày giáp Tết, anh Ngọc Thái cho biết, trong năm anh kêu gọi nhiều chuyến quà từ thiện tặng đến bà con. Đặc biệt, dịp Tết năm nào anh cũng tặng quà, để gửi thương yêu, ấm áp đến những người còn khó khăn.

Huynh trưởng Ngọc Thái bày tỏ, vì sinh ra trong gia đình nghèo nên anh hiểu được cuộc sống cơ cực của bà con, lại ở gần các buôn làng người dân tộc thiểu số, anh biết họ rất nghèo. Do đó ban đầu anh cùng với các em đoàn sinh đi gom áo quần và giày dép cũ tặng bà con. “Tâm niệm của tôi là muốn cho các em đoàn sinh tập làm những việc thiện nhỏ để các em tránh những việc xấu và sống tốt hơn, biết yêu thương và chia sẻ”, anh tâm sự. Sau đó thông tin về việc thiện này được đưa lên Facebook, anh và cả nhóm nhận được sự hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân rồi dần dần mọi người thấy việc làm ý nghĩa nên tham gia đông hơn.

Hiện anh Ngọc Thái mưu sinh bằng việc làm bánh mì tại nhà, sau khi xong việc anh phụ làm ruộng, làm rẫy cùng gia đình, những ngày rảnh thì đi chùa, làm từ thiện.

Nói về công việc đó, anh chia sẻ: “Là người học Phật, tôi luôn tâm niệm làm việc bằng cái tâm và biết nghĩ cho người khác. Khi làm bánh mì thì phải làm sạch sẽ, đảm bảo an toàn thực phẩm - không bỏ những hóa chất độc hại. Khi làm việc gì bản thân luôn nghĩ đến hậu quả của nó”.

Một người học Phật thì điều cần thiết nhất là phải hành theo lời Phật dạy. Dù có học giỏi giáo lý đến đâu nhưng không hành theo lời Phật dạy thì cũng như những người không học Phật. Tâm luôn luôn tỉnh giác và quán chiếu theo nhân duyên. Mọi việc đều có nhân duyên của nó, trở ngại thì tìm ra nguyên nhân rồi bình tĩnh khắc phục, tâm luôn an thì mọi việc sẽ có cách để giải quyết - anh Ngọc Thái tâm đắc.

Vì vậy, dù tất bật mưu sinh, anh cho biết vẫn giữ câu niệm Phật mọi lúc mọi nơi để tâm ý thanh tịnh, chánh niệm, hiểu rõ nhân quả tương duyên...

Như Danh



Nguồn: www.giacngo.vn
Download Android Download iOS
TP.HCM: Tưởng niệm 11 năm Trưởng lão Hòa thượng Thích Từ Nhơn viên tịch

Sáng 22/4 (14/3 Giáp Thìn), Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trang nghiêm tưởng niệm húy nhật lần thứ 11 Trưởng lão HT.Thích Từ Nhơn, Thành viên HĐCM, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, trụ trì Việt Nam Quốc Tự (quận 10).

Hải Phòng: Chương trình Vườn Ươm tặng 768 đầu sách tại chùa Linh Quang

PSO - Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc đọc sách.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online