Thanh Hóa: Tịnh xá Linh Sơn cõi thiền thanh tịnh giữa thắng tích Ngàn Nưa

PSO - Tịnh xá Linh Sơn tọa lạc tại chân núi Nưa, thuộc xã Trung Thành, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa là một ngôi già lam thanh tịnh ở miền đất linh thiêng bậc nhất xứ Thanh. Vùng đất có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, in đậm dấu son trong những trang sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt là nơi tụ hội những tinh hoa của đất trời sông núi.

Đến với tịnh xá Linh Sơn vào một buổi chiều mùa thu, vừa đúng lúc từng tiếng chuông lớn ngân lên, vang vọng giữa không gian trầm mặc. Lòng người lữ hành bỗng thấy bình an đến lạ. Tiếng chuông vang xa, vọng vào vách núi Ngàn Nưa và ngân dài những âm thanh tỉnh thức, linh thiêng khiến thế nhân rũ sạch dần những bụi trần, phiền não. Người lữ khách cảm giác như mình đang trở về với nguồn cội tâm linh, từng bước đi vào xứ Phật bồng lai tịnh cảnh.

Núi Ngàn Nưa thuộc địa phận 3, huyện Nông Cống, Triệu Sơn, Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Quần thể gồm 7 phiến núi được tạo hóa sắp xếp liền kề nhau tạo nên dãy Ngàn Nưa trùng điệp, uốn mình như thế rồng lượn, với Am Tiên là đỉnh cao nhất. Vốn là chốn địa linh nên suốt nhiều nghìn năm lịch sử, vùng đất núi Nưa xứ Thanh thường sinh trưởng nhiều nhân tài hào kiệt. 

Vào năm 248, chứng kiến cảnh dân chúng chịu khổ sở, lầm than dưới ách cai trị tàn bạo của quân xâm lăng Đông Ngô, tại mảnh đất này, Bà Triệu Thị Trinh cùng với người anh trai là Triệu Quốc Đạt đã chiêu mộ nghĩa sỹ, dấy binh khởi nghĩa chống giặc ngoại bang. Đến nay, nơi đây vẫn còn lưu lại dấu tích của thuở đầu tụ nghĩa, khởi binh, đền thờ Bà Triệu cùng lăng mộ của Tướng quân Triệu Quốc Đạt, nhằm ghi tạc công ơn giữ nước của hai vị anh hùng dân tộc.

Vùng núi Ngàn Nưa nằm giữa một bãi đất bằng phẳng, bốn mùa mây la đà bao phủ. Ngày trời quang nắng hồng, từ đây có thể trông thấy làng mạc trù phú, những tàu thuyền tấp nập đi về ngoài biển Đông. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực phong thủy, nơi đây được xem là một trong những Long mạch thiêng liêng quan trọng bậc nhất của đất nước. Đỉnh Am Tiên cao 500m so với mặt nước biển, là đỉnh cao nhất của dãy núi, nơi mở ra “cổng trời”, chính là vị trí Long mạch. Đỉnh Am Tiên được xem là nơi năng lượng vũ trụ của Trời và Đất giao hòa. Du khách đến Am Tiên đều trải nghiệm và cảm nhận những hiện tượng tâm linh kỳ bí.

Một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ nữa, hiện diện trên đỉnh ngàn Nưa, đó là “Giếng Tiên”. Một giếng nước ngay trên đỉnh núi, taị độ cao trên 500m so với mặt biển không suối, không khe lại có thủy tụ. Không ai xác định được giếng có từ khi nào, nhưng người xưa bảo rằng, giếng thiêng này là nơi Bà Triệu và nghĩa quân khi xưa lấy nước để sử dụng hàng ngày.

Ngôi Tịnh xá Linh Sơn tọa lạc trong khu vực Ngàn Nưa, được linh khí Đất - Trời hội tụ, đúng là một nhân duyên thù thắng để thiết lập một ngôi già-lam thanh tịnh, một cảnh thiền cõi Phật, ngày ngày vang vọng Pháp âm, phổ độ quần sanh.

Theo lời Thượng tọa Tiến sỹ Thích Giác Hoàng - Ủy viên HĐTS, Phó ban Văn hóa TƯ GHPGVN, Tổng Thư ký Viện nghiên cứu Phật học, Chánh văn phòng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thư ký Hệ phái Khất sĩ, Trụ trì Tịnh xá Linh Sơn cho biết: nơi đây trước kia chỉ là một ngôi chùa nhỏ thờ Phật, mang tên gọi là Linh Sơn Tự. Trải qua thời gian mưa nắng, ngôi chùa bị xuống cấp trầm trọng. Năm 2016, hội đủ duyên lành, Thượng tọa đã ghé thăm nơi này. Nhận thấy nơi đây là một vùng đất linh thiêng, địa thế phù hợp, thanh tịnh u nhã, nên Thượng tọa đã phát tâm trùng hưng Phật cảnh nơi này.

Nhân duyên một nhà Sư Khất sĩ tiếp nhận một đạo tràng tại miền Bắc với tâm nguyện đem giáo lý của đức Phật và hạnh nguyện của Tổ sư Minh Đăng Quang hoằng truyền nơi miền Bắc xa xôi. 

Được Chính quyền và nhân dân Phật tử địa phương cung thỉnh về làm trụ trì ngôi già-lam, Thượng tọa phát nguyện ra sức hành đạo, giáo hóa nhân dân địa phương quy ngưỡng Tam bảo, tu học theo Chánh pháp, hành trì lời Phật dạy. Được sự cho phép của BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Thượng Tọa đã phát nguyện xây dựng mới ngôi Tam bảo trên đất khu di tích Núi Nưa với tên gọi mới là Tịnh xá Linh Sơn, đúng theo truyền thống của Hệ phái Khất sĩ.

Từ đó đến nay, trải qua thời gian bốn năm, nhờ sự gia hộ của mười phương chư Phật, đức Tổ sư Minh Đăng Quang, đạo hạnh và năng lượng tu tập của chư Tăng mà Phật tử địa phương và các nơi về đây tu học ngày càng đông. Khi thấy cơ duyên phù hợp, Thượng tọa  tổ chức các khóa tu học như: Khóa Bát Quan Trai, Khóa tu Chánh niệm một ngày, các buổi sinh hoạt Phật pháp vào Chủ nhật hàng tuần dành cho thanh thiếu niên tại địa phương xã Trung Thành và các xã lân cận, các hoạt động từ thiện, khuyến học và nâng cao ý thức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong thời gian qua, Thượng tọa đã vận động Chính quyền và quần chúng đổ thêm đất mở rộng con đường vào tịnh xá gần 2km và bê tông hóa 300m lối vào tịnh xá, tu sửa lại Chánh điện, đền thờ Bà Triệu. Đó cũng là công đức của chư Tăng và quý Phật tử thập phương cùng thực hiện.

Dự kiến từ ngày mùng 5 đến ngày 12 tháng Giêng năm Tân Sửu, khóa thiền “Tâm Tĩnh Lặng” 8 ngày sẽ được tổ chức nhằm hỗ trợ cho chư Tăng Ni và quý Phật tử trên con đường thiền tập và hiểu Chánh pháp sâu rộng hơn.

Dựa trên nhu cầu hiện nay và dự kiến trong tương lai, Thượng tọa đã chỉ đạo chư Tăng khéo léo tận dụng các công trình xây dựng đã có và dựng tạm các am cốc cùng các công trình phụ cận để đảm bảo không gian tu học và sinh hoạt của chư Tăng và Phật tử.

Thượng tọa Trụ trì cho biết: “Dù cho có xây thêm cảnh quan cho Phật tử, nhưng việc giữ giới luật của chư Tăng vẫn là cốt lõi cho sự trường tồn của Đạo pháp”.

Tiếp nối vai trò của Phật pháp đối với dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân đúng với tinh thần của GHPGVN “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

Được UBND tỉnh Thanh Hóa quy hoạch với tổng diện tích hơn 63 ha, trong đó hơn 2 ha phục vụ tín ngưỡng cho đồng bào và tu học của Tăng Ni, Phật tử. Khu đất 60 ha đã được quy hoạch cho mục đích phủ xanh đồi trọc, bảo tồn cây xanh tại chân núi Nưa. Thượng tọa cùng Tăng chúng hằng ngày đã và đang tích cực trồng cây gây rừng, tạo thêm nguồn sinh khí cho khu vực.

Thượng tọa trụ trì cho biết: “Trong tương lai, ngôi tịnh xá sẽ được thiết kế và xây dựng theo mô hình truyền thống của Hệ phái Khất sĩ, với ngôi chánh điện bát giác thờ đức Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni, Tổ đường cũng là Thiền đường, Tăng xá, am thất và các công trình phụ cận để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tu học của chư Tăng và Phật tử.

Theo quan sát, ngôi tịnh xá trong tương lai sẽ “tọa Tây hướng Đông”, phía sau tựa lưng vào dãy núi Nưa, phía trước là một vùng minh đường rộng lớn thoai thoải, bên tả có thanh long, bên hữu có bạch hổ, đúng là một thế đất đẹp để kiến lập đạo tràng tu học tinh chuyên, xiển dương Phật pháp hưng thịnh tại vùng đất này trong tương lai. Tọa lạc tại một thắng tích lịch sử quốc gia, tịnh xá Linh Sơn sẽ vừa là nơi để bá tánh thập phương tìm về với cội nguồn dân tộc, bày tỏ lòng tri ân đối với bao thế hệ tiền nhân dựng nước và giữ nước. Đồng thời, lời kinh tiếng kệ vang vọng cùng năng lượng tu tập an lành hằng ngày lan tỏa nơi đây sẽ là chốn lý tưởng để khách trần rũ bỏ tục niệm, gội sạch lòng trần, tìm về cội nguồn tâm linh, hành thiện tích phước, trau sửa thân tâm, thiết lập sự bình an trong tâm hồn.

Với kiến trúc và không gian thờ tự, những đường nét tạo hình và hoa văn mang đậm nét văn hóa thuần Việt, Tịnh xá Linh Sơn nhắn gửi cho các thế hệ hôm nay và mai sau những thông điệp về nhân sinh quan - thế giới quan, những ước vọng về cuộc sống ấm no, thanh bình và những điều tốt đẹp nhất phát xuất từ tinh thần Từ bi – Trí tuệ của đạo Phật.

Bản nguyện của người tu Phật là “tự độ, độ tha”, nghĩa là nỗ lực tu tập theo lời Phật dạy, để chuyển hóa tự thân, thành tựu giác ngộ, đồng thời tùy duyên đem Phật pháp hóa độ nhân sinh, hướng mọi người làm lành tránh ác, thoát khỏi phiền não khổ đau, cùng thiết lập một xã hội an lành, hạnh phúc.

Dạo từng bước trên các lối đi vào tịnh xá, được trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ về giáo lý Phật-đà cùng những tâm nguyện của Thượng tọa trụ trì, cõi lòng chúng tôi cảm nhận được sự bình an và phát khởi niềm tin về một tương lai tươi sáng của đạo Pháp và đời sống tâm linh của nhân dân nơi đây. Chắc chắn, trong tương lai, Tịnh xá Linh Sơn sẽ là một danh thắng Phật giáo trên dãy Ngàn Nưa, sẽ là điểm đến tâm linh, nơi tu tập để thiết lập an lạc, trưởng dưỡng đạo đức và trí tuệ cho mọi người, nơi lưu giữ những giá trị tâm linh, văn hóa truyền thống của dân tộc cho mai sau.

 

PV: Tronghaitb

Download Android Download iOS
TP.HCM: Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2024 khu vực phía Nam

Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2024 khu vực phía Nam khai mạc sáng 25/4, tại Hội trường Văn phòng 2 Trung ương – thiền viện Quảng Đức (quận 3, TP.HCM), Hội nghị diễn ra 01 ngày, nội dung tập trung triển khai các văn kiện quan trọng của Giáo hội.

Long An: Phật giáo huyện Đức Hòa đồng hành cùng bà con vùng hạn mặn (đợt 1)

PSO - Nhận thấy tình hình khó khăn về nước sinh hoạt của người dân miền Tây khi phải đối diện với hạn mặn kéo dài, thời gian qua, BTS GHPGVN huyện Đức Hòa đã phối hợp Huyện Đoàn Đức Hòa thực hiện mô hình “Chuyến xe nghĩa tình – Hành trình trao gửi yêu thương” trao tặng nước uống và nước sinh hoạt đến bà con huyện Gò Công (tỉnh Tiền Giang), huyện Bì

Hải Phòng: Chương trình Vườn Ươm tặng 768 đầu sách tại chùa Linh Quang

PSO - Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc đọc sách.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online