25/05/2019 16:42

TP.HCM: Pháp phục - Nét đặc thù của Hệ phái Khất sĩ bài thuyết trình NS. Tuyết Liên

 PSO - Bài thuyết trình của Ni sư Tuyết Liên trong khóa Bồi dưỡng Trụ trì tại Pháp viện Minh Đăng Quang
I. MỞ ĐỀ

Có câu nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng thầy tu không thể thiếu chiếc áo”. Câu này đủ nói lên pháp phục rất cần cho người tu sĩ, cần cho những người đang bước trên đường giải thoát. Thái tử Tất-đạt-đa khi xưa lúc rời khỏi hoàng cung, Ngài đã đổi bộ y phục vương giả lấy bộ y phục tu sĩ mà người thợ săn đang khoác, ngụy trang cho hợp với người đi tầm đạo. Sau khi giác ngộ chơn lý, trên bước đường hành đạo độ sanh, Đức Phật đã từng nhặt mảnh vải bó tử thi giặt sạch làm y phục. Y phục lúc bấy giờ chỉ đơn giản là che thân đậy bệnh, chứ không phải là pháp phục hay lễ phục để phân định giới phẩm người xuất gia như hiện nay.

Ni sự Tuyết Liên trình bày tham luận

II. NỘI DUNG

1. Hình thức pháp phục thời Đức Phật sinh tiền

Thời Đức Phật sinh tiền, vật sở hữu của vị Tỳ-kheo là y và bát để làm phương tiện tối thiểu trên bước du hành. Y thường là vải bỏ, vải xấu nối kết thành y nhuộm màu hoại sắc, không có giá trị để người quấy không sanh lòng tham

Dựa theo Kinh Bổn Sanh, sau khi ra khỏi cung thành Ca-tỳ-la-vệ và vào tận rừng sâu, Thái tử Tất-đạt-đa đã đổi bộ y phục sang trọng may bằng lụa xứ Ba-la-nại cho một người thợ săn vốn là hóa thân của một Phạm thiên để nhận một bộ y phục nhạt màu. Ngài nghĩ rằng chiếc áo cà-sa đơn giản thì thích hợp hơn khi Ngài còn đang vân du khắp nơi để tìm cầu chân lý. Chính tấm y này Thái tử Tất-đạt-đa đã mặc trong suốt thời gian tu khổ hạnh.

Kinh Phổ Diệu còn nói thêm rằng trải qua thời gian sáu năm khổ hạnh, tấm y của Thái tử dần dần cũ và rách đi. Thái tử sau đó đã đến nghĩa địa nhặt những mảnh vải cũ vốn được dùng để bọc tử thi của một tỳ nữ. Cô gái này đã chết trong ngôi nhà gần nơi trú ngụ của vị trưởng làng. Thái tử giặt sạch những mảnh vải này và sau đó khâu thành một bộ y phục mới cho mình tại một gốc cây, nơi mà về sau được gọi là nơi khâu y phấn tảo. Bộ y phục này được xem là khởi đầu cho truyền thống mặc y phấn tảo hay y bá nạp tức là loại y được may từ những mảnh vải rách lượm từ đống rác hay nghĩa địa được giặt sạch.

Y và bát của Đức Phật đã nói lên phẩm hạnh của một người xuất gia được hình thành nhờ vào nếp sống tinh tấn đạo đức, thiểu dục tri túc, qua việc thọ nhận phẩm vật của người đời để nuôi thân và che thân. Con người sở dĩ chịu quá nhiều đau khổ, tai ương là vì họ quá đam mê ngũ dục. Vì thế hình ảnh từ một bậc vương tử đến một người tầm đạo khổ hạnh, cho đến một bậc Đạo Sư trong tam giới, sống một cuộc đời thanh đạm với tấm y bạc màu và bình bát đơn sơ sẽ luôn luôn là hình ảnh cao đẹp và thâm thúy nhất cho những ai đang theo đuổi về một lẽ sống thuần tịnh, thanh cao và đang hướng về một lý tưởng trong sáng để tự giải thoát cho mình ra khỏi mọi hệ lụy khổ đau.<1>

2. Tổ sư chế định Pháp phục khi thành lập giáo pháp

Sau khi Phật nhập Niết-bàn, chư Tổ kế thừa truyền đạo trải qua các nước, tùy tập tục mà phương tiện thay đổi pháp hành, nên pháp phục cũng có thay đổi theo truyền thống các nước.

Đạo Phật Khất Sĩ có ra từ sự thành tựu của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, do tâm chứng nên siêu vượt không gian và thời gian; dù ra đời giữa thế kỷ XX và tại miền Nam Việt Nam mà vẫn là Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, không qua trung gian Bắc tông hay Nam truyền. Đạo Phật Khất Sĩ là sự sáng tạo, mang tính thích nghi, được bản địa hóa để nhiều người có thể tu tập nhưng cốt lõi vẫn dựa trên nền tảng “Thích-ca Chánh pháp”. Đức Tổ sư là một bậc Đại giác, mặc dù thời gian trụ thế hành đạo rất ngắn chỉ tám năm, nhưng Tổ sư đã vạch ra cho hậu thế một con đường giải thoát, có đầy đủ giáo pháp, giới luật, một tổ chức sinh hoạt có chủ trương đường lối rõ ràng, từ cách kiến trúc, thờ phượng, nghi lễ,  pháp phục (y bát) hợp theo truyền thống chư Phật ba đời và dung hợp được với truyền thống dân tộc Việt Nam. Đức Tổ sư đã dạy rất tỉ mỉ cách thức may và sử dụng y bát trong Luật nghi Khất sĩ (bài Luật Khất sĩ từ trang 42 đến trang 45), chi tiết như một nhà thiết kế, đủ cho người thực hiện biết rõ, không còn gì thắc mắc khi áp dụng thực hành cắt may, giặt nhuộm, cũng như khi sử dụng pháp phục và dụng cụ cá nhân cho một người xuất gia, trên tinh thần “thiểu dục tri túc”. Đặc biệt, Y bát Khất sĩ khác hẳn y và bát của Nam và Bắc truyền,pháp hành căn bản chính là Tứ Y pháp, 4 pháp giải thoát khỏi ăn, mặc, ở, bệnh, cần và đủ cho người hướng về mục tiêu giải thoát.

Là người xuất gia trong giáo pháp Khất sĩ, được lãnh thọ y bát, chúng ta phải biết được ý nghĩa quan trọng của việc hành trì giới luật mà Tổ sư đã đề cập trong Chơn Lý:

 “Giáo lý y bát chơn truyền nghĩa rằng: Y là pháp, bát là đạo. Tức là đạo pháp đường chơn truyền dạy, có y bát mới có chơn như”<2>Thọ lãnh pháp y là có giới luật của y pháp, tay ôm bình bát là có đường lối hành trì của đạo pháp, chứ đâu phải đắp y, mang bát để có hình tướng Tăng Ni cho mọi người nể trọng, cung kính, cúng dường.

… có y bát không chưa đủ, nếu ta đang chen lấn nơi chỗ yêu ma náo nhiệt, thì tránh sao cho khỏi bị người cướp giựt, hoặc rớt bể rách tan.  

Những ai đã bước chân vào đường y bát, dầu thiếu trí huệ ở Niết-bàn… bằng không thiền định được, chỉ có điều trì giới, cũng được làm người trên trước, nhờ sự giữ giới của y bát mà tránh khỏi bốn đường ác đạo, như vậy oai lực của y bát rất thần thông và mạnh mẽ linh diệu…<3>

Xin trích một đoạn Tổ sư nói về ý nghĩa y bát trong Bồ-tát Giáo, chương VII.  

Mặc áo vải choàng vấn mình, mặc yên lặng chơn như, áo pháp lành che đậy; thân chúng sanh phàm trược phải đậy bỏ trừ diệt, đổi thể Phật hiện ra cứu người. Mặc áo Phật, đổi chúng sanh làm chư Phật,…

Mặc áo chừa phía tay mặt, tay mặt thân trí phải ở trần, làm Bồ-tát phổ tế trần gian, tay trái tâm tánh phải an dưỡng, phải giữ gìn kín đáo trong đạo pháp Như Lai.  Mặc: Mặc đó biểu hiện độ tha, tha độ. Áo quần chẳng mặc bỏ lại cho đời.

… Người hành đạo mở lối trung đạo, dung hoà ăn mặc theo lối toại nhân, hoa quả làm phẩm thực, cây bố bô vải sồ, vấn choàng tùy tiện, không khéo xảo, mau hư, đâu màng đẹp tốt, khác hẳn người đời, y theo chư Phật, nhắc nhở làm gương chúng sanh, thay thế chư Phật ban hành đạo pháp.

Choàng trên Phật y… Y trí Huệ.

Choàng giữa Pháp y… Y tâm Định

Choàng dưới Tăng y… Y thân Giới.

Gọi tam thừa y theo Pháp - chỗ quy  y, y chơn, y nguyên, y nhơn, y tánh, y Phật, y Như Lai.<4>

Chúng sanh vì ăn mặc ở bệnh, vì tham cầu mà đã tạo ra quá nhiều khổ đau cho mình và cho xã hội. Người Khất sĩ chơn chánh thọ trì y bát, phải từ bỏ con đường lợi danh, từ bỏ mọi sự ham muốn của ăn, mặc, ở, bệnh. Tổ sư đã xác định con đường Khất sĩ là con đường giác ngộ, chỉ có người giác ngộ can đảm thực hành y theo Phật, Pháp, Tăng mới đạt đến mục đích Niết-bàn.

 Đạo Phật là đạo Khất sĩ du Tăng, con đường của bậc Giác Ngộ. Đi theo con đường ấy là đến với chơn lý của võ trụ, để đạt mục đích Niết-bàn. Khất sĩ y bát là bậc Thượng Trí, sau sự học của lớp thế gian. Kẻ du học ấy phải đi xin ăn, mặc một bộ áo ba manh và một cái chén đựng đồ ăn, để nhẹ mình lo tu học và đi khắp xứ.

Muốn vào hàng Khất sĩ phải có chơn sư truyền dạy, bằng chẳng đặng vậy sẽ ra người khất cái, kẻ ăn mày đê tiện, tội lỗi, mà chúng lại khinh khi. Nếu quả là một Khất sĩ có chơn truyền đúng phép, mới xứng đáng là một đệ tử của Phật, sẽ tới địa vị Phật, ….

Thế nên, sự được ban truyền y bát rất kỹ lưỡng khó khăn và kẻ nào thọ lãnh được là vinh hạnh lắm, rồi sẽ nối chí giống hệt Tổ Thầy, nối truyền chơn đạo, nên khắp trời người đều uy tín hy vọng cho kẻ đó sẽ đắc đạo buổi tương lai vậy. Vả lại con đường của Phật rất cao viễn, như tận trên chót núi cao xa, người mà không cẩn thận ắt sa xuống hố thẳm sâu địa ngục, nên sự hành đạo là một còn một mất, một thắng một bại, một Phật một ma. Nếu phải Khất sĩ là ở Niết-bàn, bằng ra khất cái là con ma đói trong địa ngục. Vậy nên y bát chơn truyền xưa nay là giáo lý riêng đặc sắc của Thầy Tổ trao dạy, một thầy chỉ có một trò thôi, quý báu vô cùng, nhờ đó đạo Phật mới được nâng cao và mãi mãi bền dài không dứt tuyệt.

Luật nghi Hệ phái gồm 114 điều, có 6 điều mà Tổ sư quy định liên quan đến việc truyền thọ y bát.

52. Cấm cho và hàng Tỳ-kheo kẻ nào chưa rành môn oai nghi, giới bổn, những câu chú, kinh tụng.

80. Cấm cho thọ giới y bát một người dốt văn tự quốc ngữ (phải mặc áo quần tập sự).

81. Cấm cho mặc dùng y bát một người trì giới thiền định không được.

82. Cấm mặc dùng y bát đi ra ngoài, đi khất thực nếu chưa hành đúng giới luật.

85. Cấm mặc dùng y bát, Ni cô không hành đúng 8 kính pháp và giới luật thiền định.<5>

Qua đoạn Chơn Lý trên, chúng ta sẽ thấy được tầm quan trọng của y bát, sự trao truyền y không thể tùy tiện, người phát tâm lãnh thọ cũng phải là người có sự phát tâm dõng mãnh kiên cường“kẻ nào thọ lãnh được là vinh hạnh lắm, rồi sẽ nối chí giống hệt Tổ Thầy, nối truyền chơn đạo, nên khắp trời người đều uy tín hy vọng cho kẻ đó sẽ đắc đạo buổi tương lai vậy” và“sự hành đạo là một còn một mất, một thắng một bại, một Phật một ma”.

Sự công dụng của áo bát ra sao?

- Bởi khất cái với Khất sĩ cũng tương tự in nhau, vì kẻ gian manh muốn sắm áo bát bao nhiêu cũng được. Vậy nên người Khất sĩ phải là có thật học, phải đủ đức hạnh, phải có chơn tu mới được gọi đúng danh từ Khất sĩ.

Những người tu Phật mà không y bát có hại gì không?

- Nếu không có y bát hay là y bát có mà không dùng thì gọi là bậc trời người đang tập học, nhìn xem Phật, chớ chưa gọi đúng là người đã tu theo như Phật. Vì, Định Huệ có là do Giới, Giới là Y Bát giáo lý Khất sĩ. Nếu không y bát thì đâu có giới cõi Phật, bằng mà giới của người chế ra vầy khác thì gọi đó là giới của trời người thôi.<6>

Đây chính là nội dung mà người lãnh thọ y bát phải hiểu và thực hành cho chín chắn.

3. Pháp phục của HPKS trải qua 70 năm truyền đạo

Trong thời gian đầu, y bát Khất sĩ được Đức Tổ Sư hướng dẫn, thực hành triệt để cho một nhà du Tăng

Tấm y ba cái đủ che thân

Quả bát mỗi ngày vừa đủ dạ.

Nhà Sư Khất sĩ lúc bấy giờ thật đúng nghĩa là “Tăng vô nhứt vật”, tất cả mọi vật dụng mà Tổ sư quy định cho Tăng chúng là “tam y, quả bát, kinh luật, muỗng, bàn chải, dao cạo, giấy tờ, móc tai, mùng, ống đựng kim chỉ, vài miếng vải vá, đồ lọc nước, ca uống nước” đều dính trên thân. Khi chưa đọc kỹ chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi: “Vô nhứt vật, giải thoát sao còn quá nhiều vật dụng lỉnh kỉnh?” nhưng thực tế đây là những vật dụng không thể thiếu trong đời sống thường nhật, “bằng không ngơ, thì bối rối và lo âu phiền não” nên việc quy định không thiếu, không thừa.

Tổ sư ví dụ “cũng như rễ cỏ dính liền với cỏ, như lông da thú dính sát với thịt xương, cho nên lúc nào cũng rảnh trí thanh nhàn, thung dung, khoái lạc”...

Nếu không có y bát thì đi xin không được, đâu có ai cho, đâu ra vẻ người Khất sĩ. Bằng kẻ đi xin mà có đồ vật, ắt phải bị mang tù rạc, chúng oán ghét vu phao ngờ vực. Và nếu có đồ đạc thì nào được đi xin để đi các nơi gieo nhơn lành khắp cùng thiên hạ. Vả lại một người mặc quần áo thì phải hai cái thay đổi, cái đang mặc, cái cất giữ, giấc ngủ phải nhớ lo, và nếu vải nguyên tốt thì còn bị cắp trộm, lại e chúng giết hại thân mạng, như vậy thì làm sao cho có được định huệ mà gọi là tu học giống như Phật để thành Phật; còn kẻ không quần áo thì cũng không tiện việc tu học. Đến như chén bát mà có nhiều là tư bổn, gốc khổ bị hại, bằng không ngơ lại bối rối cũng lo âu phiền não (mà việc thế lại rách bể hư, bịnh, lo mãi có rồi đâu). Vậy nên giáo lý của y bát là trung đạo chánh đẳng chánh giác vô thượng không hai, tức là đạo giải thoát toàn giác. Nếu không có dùng y bát thì chẳng dứt được cái khổ của ăn mặc. Và có y bát mới ra Khất sĩ mà giải thoát luôn chỗ ở, thuốc men thì đời sống tinh thần mới được hoàn toàn cứu cánh, sự chết khổ mới sẽ dứt hết.<7>

Thời gian này người Khất sĩ không có chỗ trụ nhất định, theo quy định ba hoặc sáu tháng đổi chỗ trụ một lần, nên việc có nhiều tài sản là không phù hợp, tài sản cá nhân của người Khất sĩ lúc bấy giờ chỉ tam y, bát, mùng và bộ Chơn Lý, khi đi chỉ để vào túi vải nhỏ gọn là xong, có ai cúng dư hơn cũng không nhận, vì nhận biết để đâu, tại nơi chỗ trú xứ cũng không hề có tủ, rương. Chuyện đến và đi của người khất sĩ thong dong như mây bạc, thật thong thả thanh nhàn.

Chất liệu để may y lúc bấy giờ là vải vụn, vải bỏ được xin từ các tiệm may, chủ yếu là vải tám, sang nhất là polin, các loại vải bằng lụa, hàng, satin đều không dùng, sau khi may xong đem nhuộm màu hoại sắc, vì là vải vụn nên mỗi miếng chỉ lớn bằng nữa bàn tay hay vài ngón tay, nên chiếc y thời bấy giờ được nối kết hàng trăm, hàng ngàn miếng vải vụn, nên gọi là y bá nạp. “Nếu vải nguyên tốt thì còn bị cắp trộm, lại e chúng giết hại thân mạng, như vậy thì làm sao cho có được định huệ mà gọi là tu học giống như Phật để thành Phật”.

Cách may chiếc y bá nạp như khi xưa được may bằng nhiều thứ vải và những đường nối kết to rất mạnh mẽ. Giống như bộ y đức Tổ Sư đắp mà ảnh thờ còn lưu lại.

Y bá nạp bức họa đồ thế giới,

Rẽ muôn đường ngàn lối bước vân du,

Vì chúng sanh khai mở lắm công phu,

Nẻo giải thoát trở về quê cảnh cũ.<8>

Mỗi miếng vải như một điều răn, mỗi đường may như con đường hành đạo, tùy nhân duyên mà cất bước độ sanh, thật cao siêu và thanh thoát.

Ni trưởng Đệ nhất Huỳnh Liên đã đề cập pháp Tứ y qua mấy vần thơ, nói lên sự nhẹ nhàng, giải thoát của những hành giả du phương, không vướng bận về ăn, mặc, ở, bệnh.

Ăn thanh đạm mỗi ngày một bữa

Xin vật thường của dở nuôi thân

Không dành dụm, khỏi nhọc nhằn

Một điều giải thoát mấy phần cao thâm.

Mặc đơn giản mỗi năm một bộ

Xin vật thừa, giẻ bỏ kết y

Không xinh tốt, khỏi kiêu kỳ

Hai điều giải thoát, ba y thanh bần.

Ở luân chuyển sáu trăng một khóa

Khi gốc cây, tịnh xá tùy duyên

Không lưu luyến, khỏi ưu phiền

Ba điều giải thoát, các miền vân du.

Bệnh thong thả mựa cầu phương chước

Tự lòng người miếng thuốc gieo nhân

Không kiều dưỡng, khỏi băn khoăn

Bốn điều giải thoát, mười phần thanh cao.. <9>

Sau khi Đức Tổ sư vắng bóng, Ni trưởng Đệ nhất Huỳnh Liên đã có chương trình “Chỉnh đốn Tăng-già” gồm bảy bài viết rất cụ thể. Có những đoạn liên quan đến pháp phục của người Ni Khất sĩ, xin được trích ít đoạn để minh chứng sự thanh bần của thời bấy giờ.

Về sự mặc chúng tôi kết gom vải rách chầm vá khiếu khâu thành tấm y bá nạp choàng ngoài, còn chăn và áo tuy bằng vải nguyên nhưng nhuộm màu cũ xấu, bởi chỉ có một bộ nên mau rách rưới chầm khiếu cũng như thượng y không khác…

Về y áo, chúng ta phải mặc vải thô xấu, trừ bộ tam y màu vàng hơi sậm, nhuộm pha vỏ cây cho chắc vải bền lâu. Thượng y phải may bằng vải vụn thiệt tình, không được vải nguyên xé ra mà kế lại…<10>

Hỡi các Sư cô thân mến! Từ nay chúng ta phải bài trừ vật chất thẳng tay chớ để hỗ tiếng thanh không Khất sĩ, chúng ta mỗi người chỉ giữ đủ sáu món này y như Phật dạy trong quyển Luật Tăng đồ. Một bộ tam y và cái khăn, cái mùng, một cái bát và muỗng, một cái túi bát, một con dao cạo tóc, một vài quyển Kinh Nhựt Tụng, một cây kim, một ít chỉ, chút đỉnh vải vá mà thôi. Chỉ bao nhiêu đó chúng ta sẽ thấy phước lạc vô cùng. Đức Phật cho phép chúng ta bao nhiêu đó, là Phật ban phước lạc cho ta, nếu ta sái lời Phật dạy là ta sẽ mất phước lạc của Phật ban cho...<11>

Thiết nghĩ cốt yếu xuất gia của chúng ta là để tu cho đắc quả, nếu những gì làm ngăn trở đạo quả thì nên tránh xa nó. Cho nên y bát túi khăn cũng vậy, tuy là mỗi chỗ may riêng nhưng về Giáo hội phải trộn chung rồi mới phát, ai được cái nào mặc cái nấy, không được phép trành tròn thay đổi hoặc muốn nhuộm tốt riêng không y màu tiệp chúng. Bát không được lựa cái tốt chê cái xấu. Không được may riêng mùng, gối, túi bát, túi xách, để đổi cái cũ ra cho người khác, lấy cái mới về cho mình…<12>

Không nên dùng chữ thêu khéo tốt, kết vào đồ như y, áo, túi, khăn… muốn làm dấu hãy dùng cách nào đơn giản hoặc vẻ bằng mực, hoặc đan chỉ sơ sài chớ dụng công sắc xảo vẽ vời cũng không nên nữa (hãy tháo tất cả những chữ thêu thùa giao lại cho Giáo hội tại đây). Đây là sơ lược chút ít chớ thật ra người biết phép thanh bần tự mình giữ bổn phận mình chớ nên lỗi phép để phải chờ lời khuyên nhủ…

Dám mong các Sư cô dẫn đạo hãy kiểm soát răn khuyên những kẻ theo mình. Và tự các Sư cô phải làm gương trước.<13>

Trên tinh thần giải thoát về tứ sự ăn mặc ở bệnh, Tổ sư quy định rõ ràng, nhưng theo thời duyên chắc hẳn đã có những hữu lậu phát sanh, nên Ni trưởng Đệ nhất đã có chương trình “Chỉnh đốn Tăng-già” cho chư Ni Khất sĩ.

Đến những năm 1990 – 2000, có những lúc y thượng được may theo cách y ngũ điều giống Nam tông, gọi là y quốc tế (hiện nay có một số vị còn sử dụng), cũng có lúc cắt rọc may 21 điều hoặc không cắt rọc mà chỉ may nhấn, “thành y” (trong luật Khất sĩ gọi là bìa ngang, bìa dọc) có lúc may bên trong (bề trái) khi thì may bên ngoài (bề mặt), v.v… chưa thống nhất theo cách Tổ sư dạy may “thành y” bên trong (bề trái), còn trung hạ của Tăng Ni thì may vải nguyên. Hiện nay tuy cách thức may thay đổi chưa nhiều, nhưng nếu không chỉnh đốn kịp thời sẽ dần mất đi truyền thống (mất gốc). Đó là nói về cách may y, còn về màu sắc thì giai đoạn dầu nhuộm bằng vỏ măng cụt, nên có màu hoại sắc (luốc luốc). Thời gian sau có bột nhuộm nên màu sắc tùy người nhuộm pha, có khi là vàng chanh, có khi là màu cà-rốt, muôn màu muôn vẻ.

Từ năm 2000 đến nay, theo sự thống nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Lãnh đạo Giáo phẩm Hệ phái cũng đồng ý, màu được chọn là màu vàng sậm hoại sắc (không dùng năm sắc chính), vào những dịp lễ hội số đông Tăng Ni tập trung mặc y một màu nhìn rất trang nghiêm, như các tổ chức xã hội chọn màu đồng phục tiêu biểu rất đẹp.

Giai đoạn này, đời sống kinh tế của người dân đã tương đối ổn định, nên Phật tử phát tâm hộ đạo tích cực, tam y lúc này không còn xin vải bỏ nối kết lại mà là vải xấp, vải cây cắt rọc ra may lại nên những miếng nối không còn nhỏ nữa, mà có thể rất to và đường may rất nhỏ, rất khéo (đẹp và khéo là sở trường của chư Ni, chư Ni mất nhiều thời giờ về việc may mặc). Vả lại giai đoạn này Tăng Ni Khất sĩ đã cầm giữ tiền, nên chi pháp phục không chỉ sử dụng vải thường như kate mà có một số vị tìm mua và sử dụng cả siêu, xốp, v.v…

Bát thì giai đoạn đầu Tổ sư sử dụng là gáo dừa, sau sử dụng bát đất đơn sơ, đến sau chúng ta sử dụng bát bằng gốm, bằng composite, bằng gỗ có một số ít vị làm bát bằng gỗ sơn mài, v.v… Đây là biến tướng của y bát, không còn là phương tiện mà thuộc

về thể hiện đẳng cấp, hiện nay có một số ít trú xứ  bát không còn được sử dụng, mà chỉ để trưng bày hoặc chỉ sử dụng khi hội lễ.

4. Cần bảo vệ y bát truyền thống không bị biến tướng

Thời Thế Tôn cũng như thời bây giờ, một số ít vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni quá chú trọng đến hình thức bên ngoài, đã từng bị Đức Thế Tôn quở trách như câu chuyện dưới đây.   

MANG Y BÁT ĐẸP BỊ PHẬT QUỞ

Một thời, Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Rồi Tôn giả Nanda, đắp những y khéo ủi, khéo là, bôi vẽ mắt, cầm bát sáng chói, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Nanda như sau:

Như vậy không xứng đáng cho ông, này Nanda, là con nhà lành, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, lại mang những y khéo ủi, khéo là, bôi vẽ con mắt và cầm bát sáng chói. Như vậy là xứng đáng cho ông, này Nanda, là con nhà lành, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, tức là sống trong rừng, sống bằng khất thực, sống mặc y phấn tảo và sống không mong đợi các dục vọng.

Rồi Tôn giả Nanda, sau một thời gian trở thành vị Tăng sống trong rừng, ăn đồ ăn khất thực, mặc y phục phấn tảo, không mong đợi các dục vọng.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 10, phần Nanda, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr. 491)

Đối với Tăng sĩ Phật giáo dù ở Hệ phái nào, y bát là những pháp khí rất quan trọng, được trân quý giữ gìn cẩn thận như tròng con mắt, là vật bất ly thân của mỗi Tỷ-kheo. Thời Thế Tôn tại thế, y bát của Tỷ-kheo sử dụng có tính tùy duyên, do gia chủ cúng dường, tốt xấu đủ loại. Ngoài ra, có nhiều Tỷ-kheo nguyện mặc y phấn tảo, bằng cách lượm lặt những mảnh vải liệm xác chết quăng bỏ ngoài nghĩa địa hoặc vải hư rách nơi bãi rác, sau đó giặt sạch, nhuộm cho hoại sắc (không còn chính sắc) và kết lại thành y. Phẩm chất đích thực của vị Tỷ-kheo là nơi tâm trang nghiêm tỏa sáng làm nên vẻ trang nghiêm bên ngoài dù hình thức chỉ là một kẻ ăn xin (khất sĩ) tầm thường mặc y phấn tảo.<14>

Tuy cùng sinh hoạt trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng mỗi tổ chức Hệ phái có quy định về y bát truyền thống khác nhau. Riêng Hệ phái Khất sĩ, Đức Tổ sư đã chế định kỹ lưỡng chi tiết, cách may cũng như cách sử dụng. Thời gian gần đây, do chư Tăng Ni theo học các chương trình Phật học, để tiện lợi trong việc đi lại, sinh hoạt nên có một số vị đã thay đổi pháp phục, chư Tăng thì có sự hạn chế, riêng chư Ni trẻ tân học thì gần như lạm dụng. Ngoài việc đi học, khi đi ra ngoài không thích đắp thượng y, mặc quần thay chăn cho thong thả, tiện lợi trong sinh hoạt, nhất là tiện lợi khi đi xe Honda, đồng thời cách thức may cũng có thay đổi chút ít, áo hẹp hơn, thướt tha hơn, đã làm mất đi nếp pháp phục biệt truyền của Hệ phái. Người xuất gia nếu khi đi ra ngoài thiếu y thượng hay y thượng mang theo mà không đắp, chúng ta dễ rẽ vào siêu thị, la cà vào hàng quán làm nhẹ thể người xuất gia và sự thay đổi này không đem lại sự tốt đẹp cho mình, bởi đi vào trong nhân gian mà thiếu pháp phục (y thượng), như người chiến sĩ khi ra trận thiếu áo giáp dễ bị tổn thương.

Tổ sư đã dạy: “Người Khất sĩ mặc tam y, để dứt trừ tham vọng, ngăn ngừa kẻ ác, đoạn diệt phiền não, trong tâm trong sạch, nên gọi là y thanh tịnh, cũng gọi là y giải thoát, áo rảnh rang, hay là y trẻ nhỏ, áo ông già, y cổ nhân, áo người trí, y của kẻ chơn như…” Nên Y bát là chính pháp khí quan trọng hỗ trợ Phạm hạnh người xuất gia, đã thọ phải trì chúng ta không nên dể duôi xem thường mà có lỗi với giáo pháp Tổ Thầy.<15>

III. KẾT LUẬN

Đạo Phật Khất Sĩ là một hình thái khôi phục y bát chân truyền và tu tập sinh hoạt như giáo đoàn lúc Phật còn tại thế.  Pháp phục hay y phục của người xuất gia, ngoài công dụng chính là để che thân đậy bệnh, không để se sua chưng diện như người thế gian. Khi đắp y, mình phải nhớ đến những quy điều giới luật mà mình đã phát nguyện lãnh thọ trước nhị bộ Tăng Ni, nhớ đến giáo lý Y bát trung đạo, con đường của đạo Niết-bàn, nhớ đến bổn phận của người xuất gia trong giáo pháp. Pháp phục của Tăng chúng xưa hay nay chủ yếu là do thí chủ phát tâm may cúng dường, bằng những chất liệu thông thường.  Nay xã hội văn minh, vật chất tiến bộ, nên chất liệu và cách thức may là một việc cần phải quan tâm và khi sử dụng cũng cần phải đúng pháp, người tín chủ phải được hướng dẫn rõ ràng, nếu không được hướng dẫn, Phật tử do vì kính Tăng trọng thầy nên tìm những vật dụng sang trọng dâng cúng, không phù hợp với nếp sống thanh bần lạc đạo của người tu sĩ, đưa đến sự bị người đời phê bình đàm tiếu.

Thế hệ tân học chúng ta là người xuất gia với tâm cầu giải thoát, khi thọ dụng y bát và các vật dụng sở hữu; nên từ bỏ mọi ham muốn, nên biết hạn chế và khước từ  những gì không hợp với hạnh thanh bần, nên ý thức mỗi thành viên là một tế bào của tổ chức Hệ phái, cá nhân tốt thì tổ chức tốt, đừng để tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Pháp phục truyền thống của Hệ phái là một nét đẹp nhân văn cần phải bảo tồn, mỗi người chúng ta nếu kính Tổ, trọng Thầy đều có trách nhiệm giữ gìn truyền thống mà mình đã và đang tiếp nối. Nhưng điều cần thiết là các bậc Giáo phẩm Lãnh đạo Hệ phái nên quan tâm và kịp thời chấn chỉnh khi có hiện tượng tha hóa, như thuở xưa Đức Thế Tôn đã ân cần nhắc nhở Tôn giả Nanda. Việc Tôn giả Nanda sau khi nghe lời dạy của Thế Tôn đã chuyển sang mặc y phấn tảo, sống đờikhất thực, đoạn trừ dục vọng là bài học quý giá cho những người con Phật hậu thế suy ngẫm và noi gương.

Tất nhiên ngày nay khác xưa rất nhiều, mọi quy định đều có thể uyển chuyển áp dụng, nhưng nguyên tắc sống thiểu dục tri túc, thanh bần thuận tiện cho đời sống giải thoát vẫn là mục tiêu cần phải duy trì.

Sách đã nghiên cứu và trích dẫn

1. Bát Nhã Tâm Kinh - Lê sĩ Minh Tùng

2. Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikaya           - Thích Quảng Tánh

3. Bồ-tát Giáo - Đức Tổ sư Minh Đăng Quang

4. Chơn Lý - Đức Tổ sư Minh Đăng Quang

5. Luật Nghi Khất Sĩ - Đức Tổ sư Minh Đăng Quang

6. Kinh Tam Bảo - Ni trưởng Huỳnh Liên

7. Tuyển tập pháp - Tịnh xá Ngọc Phương 1997

8. Tập kệ - Hệ phái Khất sĩ.

Minh Nguyên

Download Android Download iOS
TP.HCM: Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2024 khu vực phía Nam

Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2024 khu vực phía Nam khai mạc sáng 25/4, tại Hội trường Văn phòng 2 Trung ương – thiền viện Quảng Đức (quận 3, TP.HCM), Hội nghị diễn ra 01 ngày, nội dung tập trung triển khai các văn kiện quan trọng của Giáo hội.

Long An: Phật giáo huyện Đức Hòa đồng hành cùng bà con vùng hạn mặn (đợt 1)

PSO - Nhận thấy tình hình khó khăn về nước sinh hoạt của người dân miền Tây khi phải đối diện với hạn mặn kéo dài, thời gian qua, BTS GHPGVN huyện Đức Hòa đã phối hợp Huyện Đoàn Đức Hòa thực hiện mô hình “Chuyến xe nghĩa tình – Hành trình trao gửi yêu thương” trao tặng nước uống và nước sinh hoạt đến bà con huyện Gò Công (tỉnh Tiền Giang), huyện Bì

Hải Phòng: Chương trình Vườn Ươm tặng 768 đầu sách tại chùa Linh Quang

PSO - Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc đọc sách.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online