01/03/2021 14:49

[Video] CUỘC THI VIẾT CẢM NHẬN “TÔI LÀ PHẬT TỬ”: DIỆP THỊ NGỌC THẢNH | DIỆU KIM

CUỘC THI HỌC PHẬT HIỂU PHÁP

CHỦ ĐỀ: TÔI LÀ PHẬT TỬ

BÀI THI: AN LÀNH TRONG CHÁNH PHÁP

MÃ SỐ BÀI DỰ THI: TLPT (04)

Duyên lành con gặp được Phật pháp vào một ngày nắng đẹp cách đây hơn 20 năm. Từ duyên lành phước báu ấy con trở thành một người Phật tử được Hòa thượng ân sư đặt cho pháp danh và truyền Tam quy, Ngũ giới cùng với hàng trăm huynh đệ đồng tu cùng trang lứa. Kể từ đó, con luôn tự hào con là con Phật,  nên con thường tinh tấn học kinh, nghe pháp, sám hối, ngồi thiền để hoàn thiện bản thân mình và được an vui trong cuộc sống và con cũng siêng năng công quả nhiều hơn, ủng hộ Tam Bảo với tâm thành kính hơn để tròn bổn phận của ưu bà di như lời Phật dạy. Đối với con, khi còn nhỏ thì bầu trời luôn bình yên dẫu có bão giông, nhưng khi lớn lên thì muôn ngàn sóng gió trong lòng dẫu bên ngoài không bão táp hay mưa sa. Những lúc gặp chướng duyên trong công việc hay va chạm trong đời sống hằng ngày thì chính Phật pháp là chiếc thuyền đưa con về nhà bình an, tỉnh thức. Con nhận ra mọi hơn thua, hận thù chỉ làm mình thêm mệt mỏi. Từ bi cũng sống, thâm hiểm cũng sống, thiện hay ác đều sống cùng một không gian và thời gian. Vậy sao ta không chọn Từ bi và Thiện lành để sống một cuộc đời thanh thản, nhẹ nhàng. Không phải vật vã với những toan tính, thiệt hơn? Nếu biết hỷ xả để tha thứ cho những ai có lỗi với mình và buông bỏ những thứ làm ta khổ đau thì tất cả những phiền não không có cơ hội quấy nhiễu, tâm mình sẽ bình yên như mặt hồ không gợn sóng và an nhiên, trong lành như những giọt sương mai. Một người dù có tài giỏi thông minh, có địa vị trong xã hội nhưng thiếu đạo đức thì chắc chắn họ sẽ thất bại. Mà đạo đức con người thì không ngoài những giới cấm và những lời dạy của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Giới cấm cho cư sĩ tại gia gồm: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu (hay còn hiểu cái nghĩa rốt ráo hơn là không dùng đến các chất kích thích để đánh mất tự chủ của chính mình). Chắc hẳn những ai làm cha mẹ đều mong muốn con mình không phạm những lỗi này cho dù họ không phải là Phật tử. Vì vậy, một gia đình êm ấm, hạnh phúc thì phải có năm điều đạo đức này nếu ai đó không muốn gọi là năm giới. Riêng bản thân con, giới luật Phật chế con mãi luôn gìn giữ từ bây giờ và mãi mãi về sau. Từ khi có Phật trong đời, con nhận ra mọi thăng trầm buồn phiền sẽ tan biến nếu chúng ta biết áp dụng lời Phật dạy, kiểm soát hành vi, lời nói và suy nghĩ. Nếu học và hành Bát chánh đạo, có Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định để dần sửa đổi, làm chủ tâm ý mình và quán chiếu để hiểu rõ Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế thì nhất định chúng ta sẽ không còn đau khổ nữa. Mọi thăng trầm rồi cũng qua đi nhẹ nhàng như áng mây trôi và người con Phật sẽ cảm thấy luôn được an lành trong chánh pháp. Từ tận đáy lòng sâu thẳm, con luôn ghi nhớ trong lòng đạo Phật là đạo giải thoát, hướng con người đến chân thiện mỹ và sống an vui chứ đạo Phật không phải là đạo bi quan yếm thế và mê tín dị đoan. Con tin Phật, con tin Tam Bảo, một niềm tin vững chắc mà không có yếu tố nào có thể cuốn trôi được niềm tin ấy trong con. Giữa bến sông mê luôn có thuyền Bát Nhã cứu vớt chúng sinh thoát ngã trầm luân. Nhưng có lẽ vì nghiệp dày phước mỏng mà ai đó trong chúng ta chưa được bước lên con thuyền ấy thôi. Giữa dòng đời xô bồ, nghiệt ngã nhiều vực thẳm, lắm hố sâu, đầy chông gai phiền muộn luôn có dòng chảy của mạng mạch Phật pháp, xoa dịu nỗi ưu sầu khổ đau của kiếp người, và trong đó có cả những người bất hạnh một đời lầm lỡ, nhưng cũng có người kém may mắn nên chưa biết tìm về quy y Tam Bảo để được bình an tâm trí. Cũng như giữa đêm tối không trăng mịt mờ lối rẽ, cuộc sống bế tắc thì luôn có ánh đạo soi đường. Có điều, người ta chưa đủ duyên và phước báu để nhận ra rằng tự thân mình cũng có hạt giống bồ đề nên cứ mãi lang thang mà chưa chịu quay về nẻo giác. Con rất hạnh phúc khi tuổi thơ của con và hiện tại bây giờ được đắm mình trong vườn hoa Phật pháp, tuy con không được đủ duyên lành vào chùa xuất gia, sống cuộc đời phạm hạnh, thanh bần, chưa được khoác lên mình chiếc y vàng giải thoát thanh cao như quý vị tu sĩ nhưng con vẫn luôn tự hào vì con là Phật tử. Hàng ngày, con thực hành đúng theo lời Phật dạy, giữ đúng giới luật của Phật tử mà con đã thọ nên con cũng là con của Phật và trong con mãi luôn có Phật. Để có cuộc sống bình yên, mình cần phải học hạnh nhẫn, biết kiềm chế, làm chủ bản thân trong mọi hoàn cảnh, dẹp bỏ bản ngã, biết khiêm nhường và lễ độ, dứt trừ tánh hay ganh tỵ, ghen ghét người khác tài giỏi, xinh đẹp hơn mình và bỏ tất cả những thói hư tật xấu, phòng ngừa thói quen hay lắp liếm sự thật, thêu dệt câu chuyện, bêu rếu dèm pha làm hại người khác phải lao đao vì tâm ý bất thiện của mình. Đó là điều mà tất cả chúng ta từ người trẻ đến người già đều phải biết. Khi ai đó làm con buồn, con tự nhủ lòng phải tha thứ cho họ để không nặng duyên nợ ở kiếp sau và không phiền não ở kiếp này. Nếu chưa dứt trừ được phẫn nộ và chưa kham nhẫn được thì tiếp tục nhủ dạ rằng tha thứ để tâm bình yên, nhẫn nhịn để lòng bình an và yêu thương để mình hạnh phúc. Nếu quá khó để nghĩ mình vay nghiệp của họ từ nhiều kiếp trước thì hãy nghĩ kiếp này họ đang vay mình, nhưng mình phải từ bi, sáng suốt quyết không gây oán thù để khỏi phiền não, gây tổn thương nhau và hãy từ bi hỷ xả tha thứ cho họ. Con của Phật không có sân si, tham lam, bỏn xẻn, ích kỷ, thù hận. Là con Phật nên phải khác họ, họ đã xấu chẳng lẽ mình lại xấu giống như họ sao? Sao không bắt chước điều tốt, học điều tốt, buông bỏ để hết khổ đau, và học Phật là để được an lạc, thoát mê, giác ngộ kia mà? Vì vậy, con sẽ cố gắng thực tập hạnh nhẫn cho nhuần nhuyễn để sân si không còn tồn tại trong con, chứ không phải ngủ yên như lúc này. Như vậy, con biết mình sẽ được an nhiên, tự tại giữa biển trời phiền muộn, dù cho chướng duyên, nghịch cảnh, oan gia có đến thì cũng không làm mình thấy bực tức hay khó chịu nữa. Thời gian trôi rất nhanh, chớp mắt quay qua xoay lại đã hết một ngày. Tuổi thanh xuân cũng không dài lắm đâu, thoáng một cái mình đã nửa đời người rồi đó, rồi thoáng cái nữa mình sẽ già đi, mà già thì bệnh tật, nhớ trước quên sau, thân thì mệt mỏi cầm cái ly uống nước cũng không nổi thì có đâu mà đi chùa lễ Phật, ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật hay lạy sám hối? Vậy nên con luôn tinh tấn khi mình còn trẻ, học Phật để an vui và có lợi cho mình, giữ giới để thanh cao là tốt cho mình.  Không ai có thể chịu quả báo tội lỗi thay thế cho mình được. Phước lành đã trồng thì nhất định sẽ gặt được quả tốt an vui, nghiệp ác đã gây thì nhất định phải chịu khổ đau, buồn bã. So với một người giàu có nhưng không đạo đức, ác độc và hung dữ với một người tuy nghèo vật chất nhưng nhân hậu, từ bi, tử tế và chân chánh, dĩ nhiên người nghèo vật chất luôn được yêu thương và được tôn vinh, họ chính là người giàu nhất. Giàu ở đây là giàu lòng nhân ái, giàu lòng từ bi, giàu tình thương, giàu nhân cách, đó mới thật sự là giàu và đặc biệt Phật tử chúng con không được bần cùng về đạo đức. Cái đẹp của người Phật tử được thể hiện qua thái độ và tâm tánh, oai nghi và tác phong, trách nhiệm và bổn phận đối với Tam Bảo. Nhờ duyên lành nghe pháp, học giáo lý của Phật nên mỗi khi có việc gì đó bất bình xảy ra thì việc đầu tiên con làm là niệm Phật thầm trong tâm, bình tĩnh giữ chánh niệm để kiểm soát thân khẩu ý, rồi nhìn nhận sự việc xem lỗi của mình, nếu con sai con nhận lỗi, còn nếu con không sai thì con sẽ giải thích để không bị hàm oan vì "từ bi phải có trí tuệ". Nếu mình nhu nhược là vô tình mình tạo cơ hội cho người gây tội và tất nhiên là mình cũng có tội, vì "tội ác không phải do người xấu mà là do người tốt thờ ơ". Khi áp dụng lời Phật dạy để giải quyết vấn đề thì sẽ không xảy ra việc đáng tiếc và cũng chẳng có gì phải hối hận khi chúng ta dùng lời lẽ ôn hoà, không phẫn nộ. Vì cuộc sống nên phải làm việc để kiếm tiền nhưng trong việc làm ăn nếu thấy điều đó là sai lời Phật dạy và bất thiện thì Phật tử chúng ta không nên làm. Bởi vì tiền không mua được bình yên và không tiêu trừ được tội lỗi. Không thể mang một thúng tiền đi chuộc tội lỗi đã gây ra. Mình gieo phước báu mình sẽ hưởng phước báu đó. Mình gây tội lỗi mình nhận quả khổ đó thôi. Nhân quả không bỏ sót một ai và cũng sẽ không gọi nhầm tên ai bao giờ, con tin như thế. Con yêu mái chùa, yêu tiếng chuông và yêu nếp sống thanh cao phạm hạnh của chư tôn đức Tăng, Ni vô cùng. Nhưng có lẽ duyên xuất gia của con chưa được chín muồi dẫu tâm bồ đề đang rất vững chắc và kiên cố. Dù vui hay buồn con vẫn luôn nhớ đến Phật, dù xuất gia hay tại gia con vẫn luôn là con của Phật và con luôn tự hào mình là Phật tử. Học Phật là để mình được an lạc giữa khổ đau, an nhiên giữa phiền muộn, an trú giữa bề bộn và chứng quả nếu chúng ta tinh tấn, chánh niệm, thực hành đúng lời Phật dạy, đi đúng đường, tu đúng pháp môn. Ngày trước, Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế đã dẫn lối con về bên Phật thì ngày nay, trong tim con chân lý muôn đời vẫn đúng và lời phát nguyện suốt đời vẫn hằng in không xao lãng, để con mãi tự hào “Tôi là Phật Tử”. Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.  
Download Android Download iOS
QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online