Tham luận của HT.Thích Hải Ấn tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và biểu dương các tôn giáo

PSO - Sáng ngày 9/8/2019, tại Hội trường chính Furama Resoft, số 105 đường Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ Khuê, quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với các tổ chức tôn giáo do Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ tổ chức. Tham dự hội nghị, đoàn đại biểu GHPGVN có 24 vị do HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN làm trưởng đoàn. Hội nghị nhận được nhiều ý kiến, tham luận tâm huyết, trách nhiệm của quý vị chức sắc, chức việc các tôn giáo, Phật Sự Online xin đăng lại toàn văn bài tham luận của HT.Thích Hải Ấn – Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN, Phó ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Viện trưởng Học viện PGVN tại Huế với đề tài “Phật giáo với việc tham gia thực hiện chủ trương về từ thiện xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, góp phần cùng nhà nước đảm bảo an sinh xã hội“.

Phật giáo với việc tham gia thực hiện chủ trương về từ thiện xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, góp phần cùng nhà nước đảm bảo an sinh xã hội

Hòa thượng Thích Hải Ấn Ủy viên Thường trực HĐTSGHPGVN

Đức Phật Thích Ca Mưu Ni, sau khi thành lập Tăng đoàn không lâu,ngài đã khuyến khích các vị đệ tử của mình lên đường truyền bá chánh pháp và căn dặn: Này các Tỳ-kheo ! hãy cất bước du hành vì lợi ích của nhiều người, vì an lạc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóasự lợi ích, sự an vui của chư Thiên và nhân loại<1>. Với thông điệp thiết tha của đức Phật, đồng thời phụng hành chủ trương của Giáo hội mà hằng năm Ban Từ thiện Xã hội đã thực hiện nhiều công tác từ thiện xã hội với một tâm nguyện là đem lại nhiều an lành phúc đến cho mọi người trên các tỉnh thành khắp cả nước. Hằng năm, Ban Từ thiện xã hội thực hiện các công tác của mình trên các lãnh vực: Từ thiện xã hội, y tế, giáo dục đào tạo nghề, … để góp phần cùng các tổ chức xã hội và các cơ quan nhà nước đảm bảo an sinh cho mọi người mà theo báo cáo tại Hội nghị cuối năm 2018 vào ngày 08 tháng 01 năm 2019 (03/12/Mậu Tuất) các hoạt động có tổng kết số tiền 2.373.749.670.000 đ (hai nghìn ba trăm bảy ba tỷ bảy trăm bốn chín triệu sáu trăm bảy mươi nghìn đồng)<2>. Và con số gần nhất mà Ban Từ thiện xã hội đã thực hiện trong sáu tháng đầu năm 2019 được báo cáo trong hội nghị ngày 12 tháng 7 năm 2019 là 881.285.502.750 đ (tám trăm tám mươi mốt tỷ hai trăm tám mươi lăm triệu năm trăm lẻhai nghìn bảy trăm năm chục đồng)<3>. Chúng tôi muốn lấy con số báo cáo nầy mới có thể tạm đánh giá được những công tác một cách cụ thể, mặc dầu con số không nói lên hết tấm lòng và tâm nguyện mà chư tôn đức và quý Phật tử đã đem ra để chia sẻ trong suốt quá trình làm công tác từ thiện của mình. Với số tiền trên, Ban Từ thiện xã hội trung ương GHPGVN đã thực hiện qua nhiều lĩnh vực mà chúng tôi tạm sơ lược một cách cụ thể sau: I. Công tác thường kỳ: gồm các cơ sở từ thiện xã hội:
  1. Các trung tâm nuôi dưỡng dạy trẻ mồ côi: cả nước có 46 cơ sở mà đa phần do các Tăng Ni phụ trách hướng dẫn với tấm lòng từ bi của mình. Tổng cọng có 1329 trẻ được nuôi dạy.
  2. Các trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn: gồm tất cả có 15 cơ sở và có tất cả 527 cụ già neo đơn.
  3. Các trường học mẫu giáo tình thương: gồm có 12 trường với số lượng 5.678 cháu được nuôi dạy hằng năm.
  4. Phòng khám Y học dân tộc và Phòng khám Tây y gọi chung là Tuệ Tĩnh Đường trên khắp cả nước gồm có gần200 cơ sở<4>. với số lượng bệnh nhân được thăm khám lên hơn hai trăm triệu lược bệnh nhân được thăm khám và điều trị miễn phí.
  5. Các trung tâm từ thiện xã hội khác: gồm trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, trung tâm tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS và săn sóc trẻ bị ảnh hưởng, các bếp chay từ thiện … đây là các trung tâm mặc dầu còn hạn chế về số lượng nhưng trong những năm qua cũng đã làm được rất nhiều công tác hết sức có ý nghĩa nhân văn.
II. Các công tác bất định kỳ: - Các chuyến quà từ thiện cho những nơi bị ảnh hưởng thiên tai lũ lụt. - Các chuyến đi từ thiện phát quà cho người nghèo. - Các chuyến xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, xây cầu từ thiện … Đó là tất cả những công tác mặc dầu không thường kỳ nhưng về số lượng đã đem lại rất nhiều lợi ích cho đồng bào bị ảnh hưởng vì thiên tai hay những vũng sâu vùng xa mọi người nghèo khó. III. Một mô hình đáp ứng với công tác biến đổi khí hậu: Gần đây trong tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất nước ta với những thiên tai bão lũ ngày càng nhiều, nhiệt độ môi trường ngày càng gia tăng ảnh hưởng đến khắp các tỉnh trên cả nước; trong tình hình ảnh hưởng biến đổi khí hậu như vậy chính quyền đã huy động tất cả các cơ quan các tổ chức nhà nước cũng như tổ chức xã hội, trong đó cũng đã huy động các tổ chức Tôn giáo phát huy vai trò khả năng ứng phó với BĐKH trong cộng đồng tôn giáo. Nhận thức được những khó khăn nêu trên, trong Phật giáo cũng đã có một số mô hình được hình thành để đóng góp vào chương trình ứng phó với những khó khăn do sự biến đổi khí hậu gây ra cho cuộc sống xã hội. Cụ thể như Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng Hải Đức tại thành phố Huế, Trung tâm Pháp Bảo tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Pháp Vân tại thành phố Hà Nội, hay các mô hình điểm trong cả nước tham gia vào công tác xã hội. Theo đó, có một chương trình phối hợp nhằm ứng phó với BĐKH của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên Môi trường và 14 tôn giáo tại Việt Nam, và đã hình thành Bảng cam kết của 14 tôn giáo Việt Nam tham gia hưởng ứng các hoạt động ứng phó với BĐKH đã được ký kết ngay trong hội nghị quốc gia “Phát huy vai trò Tôn giáo Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường” được tổ chức tại Huế, tháng 12 năm 2015. Ngay sau Hội nghị này, GHPGVN đã phát triển các hành động thực tiễn hóa các Cam kết quan trọng này. Được sự hỗ trợ của UBTWMTTQ Việt Nam và UBMTTQ tỉnh TTH, các chùa địa phương đã xây dựng được rất nhiều mô hình đáp ứng với BĐKH và BVMT. Các mô hình điểm được công nhận bởi Chương trình phối hợp có thể kể đến: 1) Hoạt động bảo vệ môi trường của nhóm Pháp Vân xanh, thuộc chùa Pháp Vân, phối hợp chặc chẽ với chính quyền và nhân dân các tổ dân phố quận Hoàng Mai, Hà Nội, 2) Chương trình khu phố Xanh sạch, đẹp của Trung tâm tham vấn Hỗ trợ cộng đồng Pháp Bảo tại TP Hồ Chí Minh, cũng đã tham gia phong trào bảo vệ môi trường tại địa phương. 3) Phát triển các Đội ứng cứu khẩn cấp phối hợp với các đội cứu hộ của địa phương trong việc Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng Hải Đức. Các mô hình này tập trung vào việc nâng cao nhận thức và năng lực của người dân địa phương trong việc ứng phó với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; như dạy bơi cho trẻ vùng trũng (với hơn 600 trẻ và 40 giảng viên nguồn), thành lập các đội Ứng cứu khẩn cấp (44 đội tại Thừa Thiên Huế), tập huấn về công tác cứu trợ thiên tai theo tiêu chuẩn quốc tế với 44 đội Ứng cứu khẩn cấp (gồm 20 thành viên mỗi đội) đã được đào tạo, trang bị kiến thức kỹ năng một cách chuyên nghiệp và một số trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn. Trong các thiên tai đã diễn ra trên địa bàn TT-Huế, các đội này đã phối hợp với các Ban phòng chống lụt bão tại địa phương rất hiệu quả và kết quả đã được chính quyền địa phương ghi nhận. Thông qua các lớp tập huấn cấp quốc gia ở cả ba miền Bắc Trung Nam về cứu trợ thiên tai theo tiêu chuẩn quốc tế (SPHERE), hiệu quả của các cuộc cứu trợ thiên tai đã được nâng lên rõ rệt. Trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường, sự phối hợp giữa các chùa địa phương với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc địa phương rấtchặt chẽ. Sự phối hợp giữa các chùa và chính quyền địa phương trong các hoạt động ƯPBĐKH và BVMT đã tạo được môi trường khá thuận lợi cho các hoạt động. IV. Những khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện: Mặc dù được sự quan tâm, chỉ đạo của Giáo hội các cấp và sự hỗ trợ của chính quyền ban ngành liên quan nhưng trong công tác từ thiện xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo nghề của Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn gặp phải một số khó khăn vướng mắc:
  • Các trung tâm dạy nghề, y tế, từ thiện xã hội, giáo dục có quy mô còn nhỏ lẻ, xuất phát từ tấm lòng Từ bi cứu giúp người khó khăn nên số lượng người được giúp đỡ còn hạn chế. Hoạt động của các trung tâm này chưa được chuyên nghiệp hóa.
  • Mặc dù tổng số tiền trong lĩnh vực là khá lớn, tuy nhiên kinh phí trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, dạy nghề chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
  • Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực ngày 01/01/2018, trong đó có điều khoản cho phép các tổ chức Tôn giáo tham gia công tác Y tế, Giáo dục; song lại yêu cầu phải thực hiện theo luật chuyên môn hiện hành như luật y tế, luật giáo dục, mà trong các luật nầy đem lại không ít khó khăn cho tổ chức tôn giáo.
  • Việc tiếp cận đối với các chính sách, pháp luật liên quan của một số chức sắc, đạo hữu trong lĩnh vực này còn hạn chế dẫn đến gặp phải khó khăn trong quá trình thực hiện.
  • Những khó khăn về mặt thủ tục hành chính khi thành lập các cơ sở đào tạo nghề, giáo dục Mẫu giáo. Trong lĩnh vực giáo dục mầm non, riêng tại Huế các sư cô mặc dù có đầy đủ bằng cấp nghiệp vụ nhưng vẫn chưa được đứng lớp. Đó là một thiệt thòi lớn cho sự chăm sóc các cháu.
  • Một số địa phương còn e dè trong việc tiếp nhận các đoàn từ thiện đến cứu trợ thiên tai và các đội Ứng cứu khẩn cấp.
  • Việc dạy bơi cho trẻ gặp khó khăn về mặt cơ sở vật chất (hồ bơi)
V. Đề xuất biện pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và Chính phủ:
  • Tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến các chính sách pháp luật liên quan Nhà nước dành cho các Tổ chức Tôn giáo, các Trung tâm từ thiện, y tế, giáo dục để hiêu rõ hơn từ đó thực hiện công tác tốt hơn góp phần cùng Nhà nước đảm bảo an sinh xã hội.
  • Đề nghị các ngành y tế, giáo dục hỗ trợ hơn nữa về chuyên môn dành cho các phòng khám từ thiện, các trường mầm non thuộc tổ chức Tôn giáo.
  • Việc mở các trường dạy nghề còn khó khăn, đề nghị các cơ quan liên quan giúp đỡ về mặt pháp lý thủ tục hành chính.
  • Cần sự phối hợp với các trung tâm thể thao dưới nước của tỉnh, huyện để lan tỏa mô hình dạy bơi cho trẻ vùng trũng.
  • Bộ Giáo dục và đào tạo cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam có chương trình phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam giảng dạy về kỹ năng trong các khóa tu mùa hè tại cơ sở Phật giáo.
VI. Kết luận: Qua những báo cáo và một số ý tưởng nêu trên, chúng tôi mong muốn các cơ qua hữu quan sâu sát hơn nữa đối với các tổ chức xã hội tôn giáo, nhất là các tổ chức từ thiện xã hội của Phật giáo để đồng thời hướng dẫn cũng như hỗ trợ chúng tôi trong các công tác đồng hành với các cộng đồng xã hội. Qua hội nghị hôm nay, chúng tôi có cảm tưởng là ngài Thủ tướng và các vị lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành hình như đã thấy rõ một phần những khó khăn của chúng tôi, và hôm nay muốn lắng nghe chúng tôi để có hướng giải quyết và phối hợp, hầu đem lại những thuận duyên cho các công tác ích lợi cho cộng đồng xã hội đem lại nhiều an lành cho mọi người dân. Xin chân thành cảm ơn liệt quý vị./. <1> Luật tạng, Đại phẩm 1, Chương trọng yếu, tr. 43 Tam tạng song ngữ Pali Việt. Bản in 2009. <2> Trích Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2018 của Văn phòng Trung ương GHPGVN tại Hội nghị cuối ngày 08.01.2019. <3> Báo cáo Tổng kết 6 tháng đầu năm 2019, Văn phòng HĐTS GHPGVN, Trong Hội nghị sơ kết ngày 12.07.2019. <4> Số liệu Báo cáo của Văn phòng Trung ương HĐTS GHPGVN (12.07.2019)
Download Android Download iOS
TP.HCM: Ban Văn hóa Trung ương Sơ kết công tác Phật sự quý I và triển khai các Phật sự quý II - 2024

PSO - Sáng ngày 26/04/2024, tại Văn phòng thường trú Ban Văn hóa Trung ương phía Nam (chùa Pháp Hoa, quận 3, TP.HCM) đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác Phật sự quý I và triển khai phương hướng hoạt động cho quý II/2024.

Hải Phòng: Chương trình Vườn Ươm tặng 768 đầu sách tại chùa Linh Quang

PSO - Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc đọc sách.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online