Mẹ ơi! Mẹ là mẹ, là ba và là bạn đồng tu của con - Viết - Phan Thị Thúy Hồng (Pháp danh: Thích Nữ Vân Tường)

Nghe đọc bài:

Mẹ ơi! Mẹ là mẹ, là ba và là bạn đồng tu của con.

 

Thời điểm ba mất, con là một đứa trẻ bảy tuổi vô tư đến mức không nhận thức được sự ra đi của ba là gì? Vẫn thản nhiên vui đùa cùng các bạn, sự vô tư đó dần dần trở thành vô tâm lúc nào mà con không hề hay biết. Kìm nén đau thương, mạnh mẽ vượt qua nỗi đau mất chồng, một mình mẹ lúc đó vừa là mẹ, vừa là ba, vừa là điểm tựa vững chắc cho các con. Con nhớ Archimedes đã nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả Trái Đất này lên”. Bây giờ con đã có điểm tựa và con muốn được nâng mẹ lên, như cách mẹ đã từng nâng con lên. Thương mẹ, ngày ngày phải vất vả làm việc để có tiền nuôi hai chị em ăn học nhưng không một lời than vãn. Mẹ cho hai con cuộc sống đủ đầy như bao bạn bè cùng trang lứa. Đó là một căn nhà rộng rãi hơn, là môi trường học tập hiện đại ở thành phố và những lớp học thêm kỹ năng nếu con thích. Dù phải vất vả khó nhọc ra sao thì trên gương mặt mẹ vẫn luôn tràn đầy nụ cười. Mẹ hạnh phúc vì có thể chăm lo cho các con, các con chính là động lực sống của mẹ. Cả thanh xuân mẹ đã hy sinh cho chúng con quá nhiều, chẳng quan tâm bản thân ra sao, chẳng nhìn lại mình đã hao mòn thân thể thế nào. Trái tim mẹ chỉ nghĩ về các con, dành hết tình thương yêu, sự ấm áp và suy nghĩ lo cho các con thật tốt mà quên đi bản thân mình có mệt không?, có đau không? Thế mà con chẳng phụ được gì cho mẹ, chỉ biết học và chơi. Không ít lần con đã vô tình làm cho mẹ buồn lòng, lo lắng vì con. Mà con chẳng nói được một lời xin lỗi đến mẹ, chẳng nghĩ đến mẹ đã lo lắng nhiều cho con dường nào. 

 

Nửa năm trước khi xuất gia, con phát tâm ăn chay trường, lúc đó nhà chỉ có ba mẹ con mà con thì chưa biết nấu ăn, thế là mẹ phải nấu thêm một phần cơm chay cho con mà không một lời phàn nàn hay cấm cản. Cho đến khi con quyết định xuất gia thì mẹ vẫn luôn tôn trọng và ủng hộ mọi quyết định của con mặc cho những lời thắc mắc, bàn tán của người khác. Bởi vì mẹ - một Phật tử nên mẹ biết đó là những việc làm thiện và hiểu được con đường con chọn. Đó cũng là lý do mẹ vẫn thường hay nói với mọi người và chúng con rằng: “Nhà nào có phước lắm mới có con đi tu”. Lúc đó con chỉ là đứa trẻ vẫn chưa hiểu hết được câu nói của mẹ và khi con xuất gia con cũng chẳng có lý tưởng giải thoát hay gì cả, con chỉ nghĩ rằng đi tu thì con mới báo hiếu được cho mẹ. Người ta nói tu gần nhà khó tu và con cũng nghĩ vậy nên đã có ý định đi tu xa nhà, nhưng khi nghe Sư phụ dạy: “Nhà con ít người nên tu gần nhà để khi mẹ đau ốm còn chạy về cho kịp”. Con thấy đúng nên đã thay đổi ý định của mình. Con đường con đi là chí nguyện được giải thoát sinh tử khổ đau trong cõi hồng trần này nên con muốn sự tu tập và hiểu biết về phật pháp của mình được truyền tải đến mọi người. Và đối với mẹ con luôn chia sẻ đầu tiên, con muốn mẹ vừa là mẹ, vừa là bạn đồng tu của con, cùng con trên thuyền bát nhã đến bến bờ giải thoát. Do đó, tu tập Phật pháp không chỉ giúp con thoát khổ mà còn giúp mẹ thoát khổ và đó chính là hiếu đạo. 

 

Con đã từng nghĩ mình là một đứa trẻ bất hạnh khi mất ba nhưng sau khi xuất gia con được học và thực hành lời dạy của Chư Phật, Thầy Tổ thì con nhận ra rằng con vẫn còn rất may mắn khi có một người mẹ đã gánh thêm phần trách nhiệm làm ba để có thể bù đắp đủ đầy cho chị em con. Và hạnh phúc hơn khi con ý thức được sự có mặt của mẹ đã và đang đồng hành cùng con trên con đường tu tập, hiểu về con đường con chọn và chấp nhận hy sinh để con có thể thực hiện được chí nguyện của mình. Ngoài nương tựa vào Chánh pháp của Như Lai, Thầy Tổ, huynh đệ thì con còn nương tựa vào mẹ. Mẹ biết không? Mỗi khi con giải đãi, chán nản con luôn nghĩ đến sự hy sinh, sự tinh tấn tu tập của mẹ mà con có thêm động lực trên con đường tu học. Mẹ cũng là một tấm gương về phụng sự mà con luôn học theo. Mẹ hết lòng với công việc mẹ đang làm, không ngại gian khó khi đi di dời người già trong mùa mưa bão, không quan tâm thị phi trong việc phân chia hàng cứu trợ. Mẹ vẫn làm bằng cả trái tim!

 

Đối với con tu là sửa mình, những lần nhăn nhó, vung văng khi trả lời mẹ trong quá khứ là một bài học, là một động lực để con thay đổi mình từng ngày. Con học được cách lắng nghe mẹ, để hiểu được nỗi lòng của mẹ và thương mẹ nhiều hơn. Với mẹ cũng vậy, không cần con phải thành công hay làm ông này bà nọ, chỉ cần thấy con trưởng thành và hạnh phúc hơn trên con đường con chọn thì mẹ luôn ủng hộ. Ngày con mới xuất gia, con nấu được nồi cơm mấy chục lon gạo bằng bếp củi mà không bị cháy, mẹ rất vui và tự hào mà nhắc với Sư phụ và Phật Tử rằng: “Lúc trước ở nhà, mỗi lần mẹ đi vắng là chị Liên chỉ biết nấu mấy lon gạo bằng nồi điện thôi, rồi gọi mẹ hỏi: “Mẹ ơi, trưa ni ăn chi rứa”?”. Mẹ vừa nói vừa cười rất hạnh phúc. Tình thương của mẹ là vậy đó, là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và nó đã nuôi dưỡng con cho đến bây giờ và mãi về sau. Trăng có lúc tròn lúc khuyết, chỉ riêng  tình thương của mẹ dành cho con là mãi mãi chẳng hề đổi thay. Nhờ mẹ, nhờ tình thương và sự ấm áp của mẹ mà con thấy mình có một tuổi thơ đầy đủ. Và thực sự là con dù có mạnh mẽ và tự lập đến đâu thì vẫn luôn muốn được ăn cơm mẹ nấu. Vì cơm mẹ nấu, đâu chỉ là cơm, là canh. Cơm mẹ nấu, có tất cả những gì đẹp nhất về mẹ. Mẹ thương con, mẹ hiểu điều đó cho nên dù mẹ không ở bên con nhưng mẹ vẫn thường hay nấu những món ngon, những món con thích mang sang chùa. Ấy vậy mà khi mẹ ốm con lại chẳng nấu được cho mẹ bát cháo, chăm sóc mẹ khi ốm đau, chạnh lòng thương mẹ, nước mắt con lại rơi. Cố giấu nước mắt vào trong tự nhủ lòng mình phải đi trọn con đường của mình đang đi, dù biết nhiều chông gai thử thách ra sao, một lòng con hứa với mẹ sẽ vượt qua tất cả. Con không giống như những người con gái ở thế gian ngày ngày có thể nấu cho mẹ những món ăn ngon, pha cho mẹ một ly trà nóng hay chăm sóc mẹ mỗi khi mẹ bệnh. Con chỉ biết ở phương trời xa bất cứ nơi đâu trong khoảnh khắc nào cũng luôn cầu nguyện cho mẹ được an vui và hạnh phúc.

 

Giờ đây con đã từ từ thấm nhuần phật pháp hiểu được lý vô thường và cũng không còn là một cô bé 7 tuổi như năm xưa để khi mất ba vẫn hồn nhiên mỉm cười. Nhưng như Sư ông Làng Mai đã viết: “Lớn đến cách mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn” cho nên con dù lớn hay nhỏ khi mất mẹ thì vẫn là trẻ mồ côi, mẹ à! Niệm ân mọi nhân duyên cho con được làm con của mẹ, cho con được gặp Phật pháp để còn có cơ hội sửa mình, còn có cơ hội hiếu đạo với mẹ. Hàng ngàn hàng vạn từ đẹp nhất trên thế gian này cũng không thể nào nói hết công ơn sinh thành dưỡng dục và sư hy sinh vô điều kiện của mẹ dành cho con. Nên con chỉ muốn nói với mẹ rằng mẹ là khung trời bình yên của con, là người hướng đạo, là người chắp cánh và đồng hành cùng con trên con đường tu học giải thoát. Và con cũng sẽ cố gắng học cách để có một tình thương đích thực, làm một điểm tựa vững chắc của cuộc đời mẹ. Dù tu học ở đâu, con luôn tự nguyện là sẽ tu cho mình, cho mẹ và cho cuộc đời. Với dòng chảy vô thường, con ngồi vững chãi, tâm lắng lại an trú trong hơi thở và chắp tay nguyện cầu mười phương chư Phật gia hộ cho mẹ được bình an.

Download Android Download iOS
TP.HCM: Ban Văn hóa TƯ phía Nam tổng kết Phật sự quý I và triển khai các Phật sự quan trọng

PSO - Sáng ngày 26/04/2024, tại Văn phòng thường trú Ban Văn hóa Trung ương phía Nam (chùa Pháp Hoa, quận 3, TP.HCM) đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác Phật sự quý I và triển khai phương hướng hoạt động cho quý II/2024.

Tiền Giang: Chương trình “Giọt nước từ tâm” giải "cơn khát" vùng hạn mặn

Với tinh thần “từ bi, chia sẻ” của những người con Phật, sáng ngày 27/04/2024, chư Tăng chùa Giác Tánh (quận Tân Bình, TP.HCM) và chùa Liên Hoa (quận 6, TP.HCM) đã thực hiện hành trình “Giọt nước từ bi” trao nước ngọt đến cho bà con vùng “rốn hạn mặn” tại tỉnh Tiền Giang.

Hải Phòng: Chương trình Vườn Ươm tặng 768 đầu sách tại chùa Linh Quang

PSO - Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc đọc sách.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online